Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Chương XI

Cắt đất, cắt biển dâng cho Tàu là tội phản bội Tổ Quốc. Sử dụng, sai khiến quân đội, công an trá hình làm côn đồ để đàn áp nhân dân là tội khủng bố.

Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Chương XI

Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc
Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 80. Tội gián điệp
Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 81. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 82. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 83. Tội hoạt động phỉ
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:
Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 84. Tội khủng bố
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
Điều 85. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 86. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực luợng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Điều 89. Tội phá rối an ninh
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 82 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 90. Tội chống phá trại giam
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Điều 91. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Điều 92. Hình phạt bổ sung
Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Luật rừng

Như Đồng

Luật rừng là nói theo cách nói dân gian, bửa nay người ta còn nói là xã hội đen, maphia… nôm na đại khái như vậy.
Có một điều lạ nghen là từ “luật rừng” hổng thấy trong các từ điển tiếng Việt, điều này là mình khám phá đó nha. Nhưng khi nói luật rừng thì ai cũng hiểu đó là sự sai trái, bạo ngược, gián trá, thủ đoạn bất chấp đạo lý…
Một lần tôi ghé thăm một thầy giáo cũ đã về hưu thầy dặn: “Xã hội này còn nhiều luật rừng lắm nên con phải biết thân biết phận mà giữ gìn”. Từ “ luật rừng ” đó cứ ám ảnh tôi đến ngày hôm nay.
Luật pháp của một chế độ dân chủ và tiến bộ bao giờ cũng xây dựng trên nền tảng đạo đức, nguyện vọng và quyền lợi của người dân, những gì ngược lại ta có thể coi là luật rừng.
Các thế hệ ông bà tôi, cô gì chú bác tôi họ có quá nhiều điều sợ hải, quá nhiều điều cấm kỵ, có quá nhiều sự thật được giấu kín và có những nhận thức họ vẫn phải âm thầm bí mật truyền dạy cho con cháu vì họ sợ hải một thế lực nào đó gọi là luật rừng.
Ta có thể nói nạn cơm tù, nạn chấn lột những ô tô chở hàng hóa khi chẳng may xe bị hỏng ở vùng Thanh Nghệ Tỉnh, nạn kiêu binh thời Lê là dùng luật rừng. Đó là những thứ luật rừng của dân gian, và Việt Nam mình còn biết bao nhiêu truyền thuyết mà gọi là luật rừng khác nữa.
Nhìn lại sự việc cái chết của Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bên cạnh chúng ta đó cũng là hành vi cư xử luật rừng. Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố, đánh đập, tra tấn, cầm tù, bỏ đói đến chết. Sự việc này là kiểu mẩu,là kinh điển của luật rừng cho toàn thế giới.
Cải cách ruộng đất bao nhiêu người bỏ mạng oan ức, cải tạo tư sản làm cho nhiều người khánh kiệt tù đày, tịch thu nhà cửa của những người vượt biên đó là những bằng chứng trong lịch sử Việt Nam không phải là luật rừng đó sao!?. Bây giờ Việt Nam mình rất nhiều người giàu có, rất nhiều người thật sự là những tư sản thì nhìn lại lịch sử thật vô cùng sợ hải.
Nạn phe phái trong giới cầm quyền, bảo vệ quyền lợi cá nhân, tranh giành địa vị họ sẵn sàng lập lên hiện trường giả, vu khống, thủ tiêu bỏ tù người bất đồng chính kiến với các chiêu bài như tiết lộ bí mật quốc gia, tham nhũng, tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa… Những việc đó so với một nước dân chủ và tiến bộ thì đó là những điều bẩn thỉu nhưng so với lịch sử đã từng trãi qua thì có thấm thía gì đâu.
Việt Nam chúng ta là một trong những vùng đất còn nhiều lợi thế cho luật rừng lộng hành vì chúng ta thiếu trung thực với lịch sử, còn nhiều gian dối với lịch sử, không nhận thức đúng, không chân thật trước những sai lầm của lịch sử, những tội ác của lịch sử bị che lấp chối bỏ và không bị lên án công bố rộng rãi, không tôn trọng và chà đạp lên quyền lợi của cộng đồng.Và khi một lãnh đạo Việt Nam phát biểu những điều trái ngược với khuynh hướng tiến bộ của loài người, trái ngược với những cam kết mà nhà nước Việt Nam đã ký với Liên Hợp Quốc, gian trá với sự thật và với lịch sử thì đó là những điều đáng xấu hổ gây căm phẫn trong cộng đồng.
Vụ đàn áp sinh viên học sinh biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn mùa xuân 1989 là trong những hành xử luật rừng tệ hại nhất. Gần mười ngàn người bị giết bằng xe tăng và súng máy, chính quyền cọng sản Trung Hoa đã phi tang bằng cách tịch thu các xác chết tập trung thiêu thành tro bụi, những xe vòi rồng tẩy rửa tội ác xuống những cống rãnh mà máu của họ tụ thành huyết dày đến 10 cm. Và chưa một nước nào trên thế giới có một tập đoàn tội ác chuyên nghiệp và đồ sộ đến thế. Những tên tội phạm Thiên An Môn chừng nào chưa được đem ra xét xử về những tội ác chống lại loài người thì đó là những thách thức của nhân loại tiến bộ.
Người Việt Nam chúng ta và trong giới cầm quyền chưa thật sự thấu hiểu khái niệm cùng chung sống hòa bình, cái giọng điệu “ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động” vẫn ra rả phát ra từ miệng của những nhà lãnh đạo, với họ không gì hơn quyền lợi cá nhân đang tạm thời nắm giữ là trên hết,làm gì có khái niệm dân tộc, tổ quốc và sự tiến bộ của quốc gia. Và uy tín của lãnh đạo Việt Nam vẫn là những câu hỏi lớn khi người dân chưa được chính tay mình bầu lên. Câu khẩu hiệu: “ Sống và làm việc theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong khi đó ông Hồ Chí Minh là vị chủ tịch nước đầu tiên được bầu lên do chính lá phiếu trực tiếp của người dân Việt Nam.
Người Việt Nam biết bảo vệ mình ở đâu khi bên cạnh luật pháp còn quá nhiều điều cấm kỵ vô lý, quá nhiều điều đen tối, còn quá nhiều những luật rừng.
Xóa bỏ luật rừng là một thách thức của mọi người dân Việt Nam, nó là một nhu cầu tất yếu cho sự bền vững và hưng thịnh của đất nước. Uy tín của quốc gia Việt Nam ở đâu, danh dự người Việt Nam ở đâu khi ở đây còn đầy dẫy những luật rừng.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Lịch Sử Quốc Ngữ

Tác giả: Trần Gia Phụng
Quốc ngữ là chữ viết chung của dân chúng cả nước. Từ thời Ngô Quyền lập quốc (939), các triều đại cầm quyền đã mượn chữ Nho (chữ Hán) để sử dụng trong hành chánh, học thuật. Dầu vậy, người Việt vẫn nói tiếng Việt, không công nhận chữ Nho là quốc ngữ, và tìm cách sáng tạo ra quốc ngữ cho riêng mình.

Đầu tiên, người Việt dựa trên chữ Nho để chế ra chữ Nôm. Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất hiện vào thế kỷ 13, khi Nguyễn Thuyên, lúc đó đang là hình bộ thượng thư dưới triều Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293), làm bài văn “Tế cá sấu” bằng chữ Nôm. Vào thời nầy, chữ Nôm được xem là quốc ngữ bên cạnh chữ Nho, nên tập thơ chữ Nôm của Chu Văn An (? - 1370) được ông gọi là Quốc ngữ thi tập (Tập thơ quốc ngữ).(1) Tuy nhiên, chữ Nôm cấu tạo trên căn bản chữ Nho, nên muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Nho tức chữ Hán.(2) Vì vậy chữ Nôm khó học, không phổ thông trong dân chúng, và ít được sử dụng.Từ thế kỷ 17 trở đi, một thứ chữ mới xuất hiện. Nhờ giản dị, dễ sử dụng,
sau ba trăm năm thử nghiệm, thứ chữ nầy càng ngày càng trở nên phổ thông và biến thành quốc ngữ, mà ngày nay người Việt đang sử dụng.

I.- VÌ SAO XUẤT HIỆN QUỐC NGỮ

Từ thế kỷ 16, các giáo sĩ Ky-Tô Tây phương bắt đầu đến truyền giáo tại nước ta. Lúc đầu, các giáo sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, theo các dòng tu khác nhau, thuộc nhiều giáo phận khác nhau, trong đó đông nhất là các giáo sĩ Dòng Tên.(3)
Khi đến Đại Việt bằng tàu thuyền, các giáo sĩ đặt chân đầu tiên lên miền duyên hải. Muốn giảng đạo, các ông không đến rồi đi liền, mà ở lại sống chung dài hạn lẫn lộn với dân chúng. Muốn thế đầu tiên các giáo sĩ phải học nói tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày. Tập nói để hiểu được người Việt và làm sao nói cho người Việt hiểu được mình, các giáo sĩ mới có thể bắt đầu truyền đạo.
Khi truyền đạo, các giáo sĩ không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Ngoài kinh sách bằng chữ la-tinh, các giáo sĩ có thể sẵn có Thánh kinh bằng chữ Nho (chữ Hán) do các cơ sở ở Ma Cao cung cấp. [Ma Cao (Trung Hoa) là nơi các dòng tu Ky-Tô giáo La Mã đặt trụ sở để truyền đạo vào Trung Hoa và qua Nhật Bản.] Tuy nhiên ít người trong dân chúng biết chữ Nho, nhất là ở các vùng nông thôn vốn nghèo khổ, ít học.
Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải viết kinh sách bằng tiếng Việt. Học nói thì không cần chữ nghĩa, nhưng kinh sách thì phải có chữ nghĩa. Không thể dùng chữ Nôm để viết tiếng Việt, các giáo sĩ ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh, rồi mới dùng thứ chữ mới ký âm nầy để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Mẫu tự la-tinh chỉ gồm 24 chữ cái, có thể dùng để lắp ghép thành các từ ngữ trong tiếng Việt, nên thứ chữ mới nầy giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá.
Từ đó, các giáo sĩ và những người Việt tân tòng hoặc học đạo với các giáo sĩ, đã hợp tác và tạo nên một thứ chữ mới vào thời đó, mà học giả Pétrus Ký, tức Trương Vĩnh Ký gọi là “quốc ngữ” trong một bài viết trên Gia Định Báo ngày15-4-1867.(4)

II.- CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH QUỐC NGỮ GIAI ĐOẠN 1:

NHU CẦU TRUYỀN ĐẠO CỦA CÁC GIÁO SĨ
Các giáo sĩ Ky-Tô La Mã đến Đại Việt để truyền đạo. Vì nhu cầu truyền đạo, các ông sáng chế chữ quốc ngữ chỉ để làm phương tiện phổ biến rộng rãi giáo lý đạo Ky-Tô, chứ không nhắm mục đích tạo nên một thứ chữ mới cho dân Việt sử dụng.
Người có công đầu trong việc sáng chế quốc ngữ là linh mục Francesco de Pina (1585-1625), một giáo sĩ Dòng Tên, người Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617, từ trần vì đắm thuyền ở vịnh Đà Nẵng năm 1625. Ông là người đầu tiên nói thạo và giảng đạo bằng tiếng Việt. Hợp tác với nhiều người, và đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của một thanh niên Việt có tên đạo là Phê-rô, De Pina đã khởi thảo la-tinh hóa tiếng Việt, soạn thảo một bản văn phạm quốc ngữ, dịch và soạn sách giáo lý đạo Ky-Tô bằng tiếng Việt, mở trường dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc.(5a)
Năm 1618, linh mục De Pina cùng với Phê-rô dịch qua tiếng Việt lần đầu tiên Kinh lạy Cha và các kinh căn bản khác trong Ky-Tô giáo La Mã, (5b) có thể xem là khởi đầu cho việc sơ thảo quốc ngữ. Theo lời linh mục De Pina, năm 1622, ông hoàn tất hệ thống chuyển mẫu tự la-tinh thích hợp với cách phát âm và thanh điệu tiếng Việt.(5c) Rất tiếc giai đoạn nầy chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bản Kinh lạy Cha được viết tay năm 1632 còn được nguyên bản như sau: (5d)
Trong số các học viên trường tiếng Việt của De Pina, có một người về sau nổi tiếng là Alexandre de Rhodes (1593-1660). Giáo sĩ De Rhodes đến Hội An năm 1624. Ngoài De Pina, De Rhodes còn học tiếng Việt với nhiều người địa phương, trong đó có một thiếu niên 13 tuổi ở Hội An, sau De Rhodes nhận làm con nuôi, và người nầy trở thành thầy giảng Raphael Rhodes. Năm 1645, A. de Rhodes bị trục xuất ra khỏi Đàng Trong, về Ma Cao.
Alexandre de Rhodes qua La Mã năm 1950. Năm 1651, tại La Mã, ông đứng tên tác giả, ấn hành hai bộ sách. Thứ nhất là Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisua (Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép Rửa, chia ra tám ngày).(6) Thứ hai là Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ - La).(7)
Vì Alexandre de Rhodes gốc Pháp, nên người Pháp đã ca tụng ông như là nhà sáng chế chữ quốc ngữ, để kể công “khai hóa” của thực dân Pháp. Thật ra, người đầu tiên sáng chế chữ Quốc ngữ là linh mục Francesco de Pina, rồi đến nhiều giáo sĩ khác, trước khi De Rhodes đến Đại Việt. Trong lời “Cùng độc giả” vào đầu quyển từ điển năm 1651, A. de Rhodes cũng xác nhận:
“Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tin theo lệnh của các hồng y rất đáng tôn kính…”(8)
Nói cho cùng, sự hình thành quốc ngữ không phải do công sức cá nhân của một giáo sĩ, mà là công sức tập thể của nhiều giáo sĩ thuộc nhiều nước khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau, đã đến truyền đạo Ky-Tô tại Đại Việt, cộng với sự đóng góp lớn lao âm thầm của rất nhiều giáo sĩ và thường dân Việt.
Từ đây quốc ngữ được sử dụng càng ngày càng rộng rãi trong các giáo đường, các tu viện Ky-Tô giáo Đại Việt. Một số giáo sĩ Việt bắt đầu dùng quốc ngữ để viết thư, kể cả thư cho những giáo sĩ nước ngoài. Hai quyển từ điển khác được soạn thảo là Dictionnarium Annamitico Latinum [Từ điển Việt - La tinh] của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc, 1741-1799), cố vấn của Nguyễn Phúc Ánh, soạn xong năm 1772, và Dictionnarium Annamitico Latinum (Nam Việt Dương Hiệp tự vị) của Jean Louis Taberd (1794-1840).
Bộ tự điển của giám mục Bá Đa Lộc còn ở dạng bản thảo, và giám mục Taberd dựa trên bản thảo nầy, để soạn bộ sách của ông và xuất bản ở Ấn Độ năm 1838 khi ông hành đạo tại nước nầy.(9)
Khi đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm thành Gia Định vào tháng 2-1859, ông thấy rằng các giáo sĩ Ky-Tô La Mã đã thành lập ở đây một trường học lấy tên là “Collège d’Adran”.(10) Tại trường nầy, học sinh được học chữ la-tinh, quốc ngữ và một ít chữ Pháp.(11)
GIAI ĐOẠN 2: NHU CẦU CAI TRỊ CỦA NGƯỜI PHÁP
Khi chiếm Gia Định, vì nhu cầu cai trị, phó đô đốc Léonard Charner đưa ra nghị định ngày 21- 9-1861, dùng trường sở Collège d’Adran, thành lập Trường thông ngôn với danh hiệu đầy đủ là “Collège Annamite-Français de Monseigneur l’Évêque d’Adran”.(12) Trường thông ngôn chẳng những dạy người Việt học chữ Pháp để làm thông ngôn, mà còn dạy người Pháp học tiếng Việt bằng thứ chữ mới.
Léonard Charner cho mở ngay nhà in và phát hành báo Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Công báo của đoàn Viễn chinh Nam Kỳ) bằng chữ Pháp, xuất bản số đầu tiên ngày 29-9-1861. Khi Louis Bonard đến thay Charner ngày 29-11-1961, Bonard cho phát hành báo Le Bulletin Des Communes có phần chữ Nho để phổ biến rộng rãi tin tức nơi người Việt và người Hoa lúc đó khá đông ở Gia Định. Bonard dự tính ấn hành một tờ báo tiếng Việt. Tuy nhiên chữ Việt theo mẫu tự la-tinh có nhiều dấu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã…), nên phải đặt chữ cái để sắp chữ in, đúc ở Pháp, mất hai năm mới xong (1864). Nhờ vậy ngày 15-4-1865, tờ báo tiếng Việt bằng thứ chữ mới, phiên âm theo mẫu tự la-tinh, lần đầu tiên đượïc phát hành tại Sài Gòn là Gia Định Báo.(13) Trên Gia Định Báo số 4, ngày 15-4-1867, Pétrus Ký (1837-1898) đã viết một bài khuyến khích việc học thứ chữ mới, trong đó có đoạn như sau:
“…Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo [văn phạm] dạy tiếng Lang Sa [Pháp], có làm ra chữ quốc ngữ [sic] để người ta dễ học. Những người ký lục [thư ký] giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ [khó dễ] cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường [Tôn Thọ Tường] đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết…”(14)
Danh từ “quốc ngữ” có thể xuất hiện trước đó trong giới Ky-Tô giáo, nhưng nay mới được Pétrus Ký chính thức “khai sinh” trên Gia Định Báo ngày 15-4-1867. Quốc ngữ lên báo chí, dù lúc đầu chỉ để thông tin, cũng có nghĩa là loại chữ nầy đã khá đầy đủ để diễn đạt chủ trương của nhà cầm quyền Pháp, và bắt đầu trở nên phổ thông, dầu chưa được chính thức áp dụng trong hành chánh. [Về sau, khi quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt, danh từ "quốc ngữ" dần dần biến mất. Ngày nay người ta không gọi "quốc ngữ", mà chỉ gọi là "Việt ngữ"].
Một chi tiết đáng chú ý là ngành in ấn theo cách lắp chữ kiểu Tây phương,(15) giản dị, nhanh chóng, và tiện lợi hơn rất nhiều so với cách khắc bản gỗ (mộc bản) chữ Nho theo kiểu xưa của Việt Nam. In mộc bản, phải khắc từng chữ Nho chung trong toàn bài văn trên một bản gỗ. In xong, bản gỗ đó không dùng để in sách khác mà phải khắc sách khác từ đầu.
Sự phát triển ngành in đẩy mạnh việc ấn hành sách báo, từ đó làm cho quốc ngữ được truyền bá nhanh chóng vì người ta có thể học vần quốc ngữ bằng sách báo, đồng thời làm bùng nổ nền văn học quốc ngữ.
Trong khi đó, khoa thi hương (Nho học) năm 1861 (tân dậu) cho toàn thể Nam Kỳ lục tỉnh tại Gia Định bị bãi bỏ vì tình hình biến động. Gia Định mất năm 1862 nên khoa thi hương năm 1864 (giáp tý) ở Nam Kỳ được tổ chức tại Cần Thơ (huyện Vĩnh Định, tỉnh An Giang).(16) Sau đó, Pháp chiếm toàn bộ Nam Kỳ năm 1867, nên các kỳ thi Nho học ở trong Nam hoàn toàn bị bãi bỏ.

GIAI ĐOẠN 3: CHỮ VIẾT CHÍNH THỨC

Tại Nam Kỳ: Toàn bộ Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp từ sau hòa ước Giáp Tuất (18-3-1874). Tại đây, quốc ngữ tiến thêm một bước khá dài nữa, khi phó đề đốc Hải quân Pháp là Louis Lafont, thống đốc Nam Kỳ, ban hành nghị định ngày 6-4-1878, theo đó kể từ 1-1-1882, ở Nam Kỳ, tất cả các giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều viết bằng mẫu tự la-tinh, tức chữ Pháp hay Quốc ngữ, chứ không còn viết bằng chữ Nho; và cũng từ 1-1-1882, chỉ những người biết quốc ngữ mới được tuyển dụng vào các cơ quan hành chánh cấp phủ, huyện, tổng.(17)
Ngày ban hành và ngày thi hành nghị định nầy cách nhau gần 4 năm, nghĩa là khoảng thời gian cần thiết để tổ chức giáo dục, chuyển đổi từ việc học chữ Nho qua việc học quốc ngữ. Ngày 17-3-1879, Pháp thành lập Sở Giáo dục công cộng (Service de l’instruction publique) ở Sài Gòn và đưa ra chương trình giáo dục Pháp-Việt bậc tiểu học, gồm có 6 năm học; theo đó trong ba năm đầu, học sinh phải học ba thứ chữ là chữ Nho, quốc ngữ và chữ Pháp; đến ba năm sau, học sinh chỉ còn học quốc ngữ và chữ Pháp.(18)
Nói cách khác, tại Nam Kỳ, bên cạnh chữ Pháp, từ đây quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức được sử dụng trong các trường học, sở làm, và báo chí. Một công trình quốc ngữ quan trọng đầu tiên do một thường dân người Việt biên soạn chứ không phải giáo sĩ nước ngoài, là bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của. Bộ sách nầy gồm hai quyển, phát hành liên tiếp hai năm 1895 và 1896 tại Sài Gòn.
Tại Trung và Bắc Kỳ: Pháp bảo hộ Trung và Bắc kỳ bằng hòa ước Giáp Thân (6-6-1884). Những trường trung học đầu tiên Pháp mở ở Trung và Bắc Kỳ như trường Quốc Học Huế (khai giảng ngày 26-12-1896), trường Collège des interprètes (Trường Thông ngôn, mở năm 1904)… đều dạy bằng tiếng Pháp và chương trình Pháp cho học sinh Việt. Triều đình Việt Nam vẫn tiếp tục mở những khoa thi Nho học (thi hương và thi hội) theo định kỳ 4 năm một lần như trước đây.
Riêng ở Bắc Kỳ, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ngày 6-6-1898 (niên hiệu Thành Thái thứ 10), tổ chức một kỳ thi phụ sau kỳ thi hương truyền thống tại Nam Định. Môn thi gồm tiếng Pháp và quốc ngữ, không có chữ Nho. Những người đậu cử nhân hay tú tài Nho học trong kỳ thi hương, nếu đậu luôn kỳ thi phụ, sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan.(19)
Chủ trương “hợp tác” và mở cuộc “chinh phục tinh thần” khi đến làm toàn quyền Đông Dương từ 1902 đến 1908, Paul Beau cho giảng dạy quốc ngữ ở các trường Trung và Bắc Kỳ. Học chế năm 1906 (do quyền toàn quyền Broni chuẩn y) quy định các trường học Việt Nam gồm ba cấp ấu học, tiểu học và trung học. Quốc ngữ được dạy ở cả ba cấp. Ai đậu kỳ thi cuối khóa cấp trung học, được gọi là thí sinh và sẽ được dự kỳ thi hương.(20)
Trong khi đó, các nhà khoa bảng cựu học như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với những trí thức cấp tiến lúc đó, mở phong trào Duy tân, vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Nho học, cổ xúy việc học quốc ngữ để nâng cao dân trí, vì một lý do đơn giản: quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Nho. Các ông vận động mở trường dạy quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận (trường Dục Thanh, 1907) và Hà Nội (Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907). Trong một bài thơ khuyến khích việc học quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết:
“… Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tỉnh trước dân ta,
Sách các nước, sách Chi-na,
Chữ nào nghĩa ấy, dịch ra cho tường…”(21)

Từ năm 1909, quốc ngữ được đưa vào chương trình thi hương trên toàn Trung và Bắc Kỳ. Trong 4 kỳ (trường) thi hương,(22) đến kỳ thứ 3 (trường 3), thí sinh bắt buộc phải làm 2 đề thi luận: một đề chữ Nho và một đề quốc ngữ. Qua kỳ thi hương năm 1912, đề thi kỳ 3 (trường 3) gồm hai đề quốc ngữ, và kỳ 4 (trường tư) một đề quốc ngữ. Đến kỳ thi hương cuối cùng năm 1918 ở Trung Kỳ, từ kỳ 2 (trường nhì) đến kỳ 4 (trường tư) đều có đề thi quốc ngữ.(23)
Toàn quyền Albert Sarraut (lần thứ hai từ 1917-1919) ra nghị định 21-12-1917 về Quy chế chung về ngành giáo dục công cộng ở Đông Dương (Règlement général de l’instruction publique en Indochine), thường được gọi là “Học chánh tổng quy”, áp dụng cho toàn cõi Đông Dương để thay thế cho học chế thời Paul Beau.
Theo tổng quy mới, trong 5 năm bậc tiểu học, thì 3 năm đầu, học sinh học các môn bằng quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Nho không bắt buộc; hai năm cuối bắt buộc học các môn bằng chữ Pháp. Riêng 4 năm bậc trung học, mỗi tuần chỉ có 3 giờ quốc văn trong tổng số 27 giờ học mỗi tuần. Đăïc biệt, phần cuối tổng quy nầy định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình, kể cả quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp.(24) Nói cách khác, tổng quy nầy dẹp bỏ luôn chương trình Nho học. Chính vì vậy, sau khoa thi hưong năm 1915, ở Bắc Kỳ (vùng bảo hộ trực tiếp) không tổ chức thi Nho học nữa, trong khi ở Trung Kỳ (vùng bảo hộ gián tiếp), khoa thi hưong cuối cùng năm 1918 và thi hội cuối cùng năm 1919.
Bây giờ quốc văn quá ít. Dư luận người Việt phản ứng. Bảy năm sau, toàn quyền Martial Merlin (từ 1923-1925) công bố nghị định ngày 18-9-1924, sửa đổi lại học chánh tổng quy của Sarraut. Theo học chế mới, trong ba năm đầu của bậc tiểu học, dạy hoàn toàn bằng quốc ngữ thay vì chữ Pháp hay chữ Nho,(25) nhưng các lớp sau đó dạy bằng chữ Pháp. Việc phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em bằng quốc ngữ, giúp cho học sinh Việt căn bản quốc ngữ trong đời sống hàng ngày. Như thế học quy Martial Merlin công nhận từ đây quốc ngữ là chữ viết chính thức của người Việt Nam.
Quốc ngữ càng ngày càng phổ thông, giúp dân chúng những hiểu biết sơ đẳng cần thiết trong đời sống, nhất là về phương diện chính trị. Từ năm 1925 trở đi, nhiều đảng phái chống Pháp được thành lập, viết truyền đơn, lời kêu gọi, sáng tác thơ văn yêu nước… đều bằng quốc ngữ.

KẾT LUẬN

Sự hình thành quốc ngữ tiến triển qua ba giai đoạn: 1) Do nhu cầu truyền đạo, các giáo sĩ Tây phương dùng mẫu tự la-tinh phiên âm thiếng Việt và sử dụng thứ chữ mới trong khuôn viên giáo đường. 2) Do nhu cầu cai trị nước ta, Pháp ứng dụng thứ chữ mới nầy trong quần chúng. 3) Do nhu cầu phổ cập giáo dục căn bản cho trẻ em Việt Nam, Pháp đưa quốc ngữ vào chương trình tiểu học từ năm 1924. Quốc ngữ được chính thức công nhận là chữ viết của người Việt.

Cần chú ý là trước khi được trọng dụng, quốc ngữ cũng đã gặp một số phản đối về phía người Việt cũng như về phía người Pháp. Ở Nam Kỳ, một số người Việt cho rằng quốc ngữ phiên âm quá nhiều chữ Nho mà nếu không học trước những chữ Nho nầy thì không hiểu gì cả. Một số người Pháp muốn truyền bá văn hóa Pháp, thì cho rằng quốc ngữ được chế ra từ chữ Bồ Đào Nha, không thể dùng để đọc chữ Pháp và có thể gây cản trở việc học chữ Pháp. Ngày 10-12-1885, báo Le Saigonnais [Người Sài Gòn] đăng một kiến nghị của thân hào bản xứ xin Hội đồng Thuộc địa can thiệp để triệt bỏ quốc ngữ vì thứ chữ nầy vô lý, giả tạo.(26a)
Tại triều đình Huế, thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục hết sức bài bác quốc ngữ, mà theo ông là thứ chữ do Tây [Pháp] đem lại.(26b) Một số nhà Nho cho rằng cách viết quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh cắt đứt tiếng Việt với nguồn gốc Hán tự, thiếu ý nhị, không có ý nghĩa tượng hình.(27c) Ngày nay, có người còn cho rằng sự thay đổi chữ viết từ chữ Nho qua quốc ngữ, khiến người Việt lạc mất cội nguồn văn hóa dân tộc cổ truyền.
Thật ra, trong tiến trình hình thành quốc ngữ, không thể đòi hỏi quốc ngữ phải toàn thiện ngay từ đầu, mà cần có thời gian để điều chỉnh và hoàn thiện dần dần. Ngay những thứ chữ như chữ Pháp hay chữ Anh, ngày nay hàng năm cũng có cả hàng ngàn chữ mới được bổ túc vào kho tàng ngôn ngữ của các nước nầy.
Trong khi đó, quốc ngữ giúp phổ biến rộng rãi văn hóa và nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho toàn thể dân chúng, giúp người Việt dễ thích ứng và nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học trên thế giới. Nhờ thế, ngày nay người Việt tiếp thu và hội nhập dễ dàng vào hệ thống điện toán thời đại mới.
Trước đây Nho giáo là một triết thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ. Các chế độ quân chủ Việt Nam ứng dụng văn hóa Nho giáo để ổn định xã hội và củng cố chế độ, khiến tinh thần sĩ phu lệ thuộc chẳng những Nho giáo mà cả văn hóa Trung Hoa. Việc bãi bỏ Nho học và thay đổi chữ viết từ chữ Nho (Hán tự) qua quốc ngữ, chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn lệ thuộc Nho học và văn hóa Trung Hoa, đồng thời mở ra một chân trời mới có tính cách toàn cầu trước mắt người Việt.
Nhiều nhà Nho dưới chế độ quân chủ, đắm mình lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, lầm tưởng rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa dân tộc, và những anh hùng liệt nữ Trung Hoa là khuôn vàng thước ngọc cho xã hội Việt. Các tác giả chữ Nho thời trước thường dùng điển tích về những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán Trung Hoa để làm mẫu mực cho người Việt.

Khi sử dụng quốc ngữ, bước ra khỏi văn hóa Trung Hoa, nhiều người mới tìm trở lại bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đây, càng ngày nền văn hóa dân tộc càng được đề cao. Trong nền văn học quốc ngữ, Hai Bà Trưng, Triệu Nữ Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung… mới là những anh hùng đích thực, những tấm gương sáng của người Việt.Cuối cùng, các thời điểm lịch sử cho thấy: Sau năm 1919, chấm dứt Nho học. Nhà cầm quyền Pháp mở trường Pháp, nhưng rất hạn chế. Năm 1924, học chế Martial Merlin quy định dạy quốc ngữ ở bậc tiểu học, nhưng bậc trung học vẫn dạy Pháp văn. Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn xuất bản sách Danh từ khoa học, mà theo ông, sách hết ngay sau mấy tháng phát hành. Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 bằng quốc ngữ.(27) Nhà vua ban hành dụ số 67 ngày 30-7-1945 quy định từ học khóa 1945-1946, bậc trung học Việt Nam dạy bằng quốc ngữ. Bộ Giáo Dục - Mỹ Thuật do Hoàng Xuân Hãn làm bộ trưởng, đã đưa ra “Chương trình trung học” hoàn toàn bằng quốc ngữ, trong khi Pháp văn cũng như Anh văn được xếp vào môn sinh ngữ, Hán văn là môn cổ ngữ.(28) Chương trình nầy làm căn bản cho các chương trình trung học về sau.
Như thế ngay từ đầu, quốc ngữ cho thấy sức sống mạnh mẽ, phát triển rất nhanh, và chóng trở nên phổ thông, đồng thời hứa hẹn nhiều tương lai sáng sủa, như nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh đã tin tưởng: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ.”(29)
Trong khi đó, sự xuất hiện của quốc ngữ đưa đến sự hình thành nền văn học quốc ngữ. Trên toàn cõi nước ta, nền văn học quốc ngữ phát triển sớm nhất tại Nam Kỳ vì một lý do đơn giản là tại Nam Kỳ, Nho học được bãi bỏ sớm nhất, quốc ngữ được sử dụng sớm nhất và ngành in ấn phát triển sớm nhất.(30) Nền văn học quốc ngữ đa dạng, phong phú và phổ thông, phát triển nhanh chóng, càng làm tăng giá trị của công trình sáng tạo quốc ngữ.

TRẦN GIA PHỤNG

CHÚ THÍCH

1. Dương Quảng Hàm, Việt-Nam văn-học sử-yếu, in lần thứ bảy, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1960, tr. 106.

2. “Chữ Nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ Nho, hoặc lấy hai ba chữ Nho ghép lại để viết tiếng [Việt] Nam ” (Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 100.) Hoặc “chữ Nôm được cấu tạo trên cơ sở chữ Hán Việt, tức chữ Hán đọc theo âm hán-việt”. (Đào Duy Anh, Chữ Nôm, Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn tiến, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1973, tr. 51.) Do đó, muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán tức chữ Nho, và như thế học chữ Nôm cũng khó không kém gì học chữ Nho, nếu không muốn nói là khó hơn. Có thể vì chữ Nôm khó học, khó viết, nên có hai hệ quả: Thứ nhất chữ Nôm chỉ phát triển trong giới sĩ phu, trí thức, văn thi sĩ ngày xưa mà thôi. Những người nầy vốn đã giỏi chữ Nho, nên học được chữ Nôm, chứ chữ Nôm ít phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Có thể nói, trong lịch sử văn học, chưa có một nhân vật nào giỏi chữ Nôm mà không biết chữ Nho. Thứ hai, vì ít được sử dụng và nhất là không được chính thức sử dụng, nên lối viết chữ Nôm không ổn định. Mỗi địa phương dựa theo chữ Nho mà ghép lại thành chữ Nôm địa phương, nên chữ Nôm không thống nhất trên toàn quốc.

3. Dòng Tên (Society of Jesus): Do tu sĩ Ignatius Loyola (1491-1556), người Tây Ban Nha, lập năm 1539, nhắm bảo vệ tính chính thống của giáo quyền La Mã và hỗ trợ công việc truyền giáo ra các nước trên thế giới. Hiệp hội nầy được Paul III (giáo hoàng 1534-1549) thừa nhận. Vì tập tục kỵ húy của người Việt, tín đồ ngày xưa kỵ húy tên Chúa Jesus, nên chỉ gọi hiệp hội nầy là “dòng Tên” tức “dòng đạo mang tên Chúa Jesus”. Năm 1541, Ignatius được bầu làm trưởng dòng Tên đầu tiên. Sau khi từ trần, Ignatius được giáo hoàng Gregory XV (giáo nhiệm 1621-1623) phong thánh năm 1622. Lúc nầy, ở Đông Á, Dòng Tên đặt trụ sở chính tại Ma Cao (Trung Hoa). Từ đó, các tu sĩ Dòng Tên truyền qua Nhật Bản và lui tới Việt Nam. [Về việc người Tây phương và các giáo sĩ đạo Ky-Tô La Mã đến nước ta, xin xem chương "Người Âu Châu đến Đại Việt", Việt sử đại cương tập 2, cùng tác giả, tt. 117-160.]

4. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản yếu tân biên, quyển 3, Văn học hiện đại (1862-1945), California: Nxb Đại Nam tái bản không đề năm, tr. 67.

5. Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam [song ngữ Việt Pháp], tập 1, Paris: Định Hướng Tùng Thư, 2004, tt. 81-89 (5a), 223-225 (5b), 85 (5c), tr. 375 (5d). Các bản văn Kinh lạy Cha đều trích từ sách nầy.

6. Trong Việt-Nam văn-học sử yếu của Dương Quảng Hàm, sđd. chương thứ 18, thiên thứ 5, năm thứ nhất ban Trung học, tr. 181, có trích đăng một phần của sách nầy.dưới tựa đề Phép giảng tám ngày. Ngoài ra, sách Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép Rửa, chia ra tám ngày đượïc in lại: Phép giảng tám ngày - Catechismus in octo dies divisus - Catéchisme divisé en huit jours, lời tựa của Nguyễn Khắc Xuyên, André Marillier ghi lại theo chính tả ngày nay, Henri Chappoulie dịch qua tiếng Pháp, TpHCM: Tủ sách Đại Kết, 1993. (Theo Roland Jacques, sđd. tr. 199, phần chú thích.)

7. Sách nầy được in lại: Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch, Từ điển Annam - Lusitan - La Tinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La), Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1991.

8. Alexandre de Rhodes, Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum, bản in năm 1991, tr. 3.

9. (tìm chữ Taberd).

10. Adran là tước hiệu tông tòa của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Về giám mục nầy, xin xem Việt sử đại cương tập 2, các chương “Người Âu Châu đấn Đại Việt” và “Đất nước thống nhất”.

11. John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, New York: Moulton Publishers, 1977, tr. 75. DeFrancis theo tin của báo Courrier de Saigon ngày 10-2-1864 và DeFrancis cho biết chi tiết nầy ông lấy từ bài “Le français, le quoc-ngu, et l’enseignement public en Indochine” của E. Roucoules, trong Bulletin de la Société des études Indochinoises, số 1 năm 1890.

12. John DeFrancis, sđd. tr. 76. Theo Alfred Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, Deuxième édition, Sai Gòn: 1906, tt. 200-201, thì Charner mở cùng một lúc hai trường: trường thông ngôn dạy tiếng Việt cho quan chức Pháp và trường Pháp mang tên Adran (Bá Đa Lộc) cho trẻ em Việt. Có thể vì việc Charner dùng trụ sở Collège d’Adran mở trường thông ngôn nên có sự lầm lẫn nầy chăng?

13. Thư ngày 9-5-1865 của quyền thống đốc Nam Kỳ là Pierre-Gustave Roze (thống đốc De la Grandière về Pháp từ 30-3-1865 đến 26-11-1865), gởi cho bộ trưởng bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp. (Đặng Văn Nhâm, Lịch sử báo chí Việt Nam, California, Nxb. Việt Nam Văn Hiến, 1999, tr. 39.) Ông Đặng Văn Nhâm trích dịch như sau: “Số đầu tiên của tờ Gia Định Báo được in bằng chữ An Nam, theo mẫu tự La-tinh, phát hành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua…”

14. Phạm Thế Ngũ, sđd. tr. 67.

15. Cách in chữ Nho ngày trước là khắc từng chữ Nho trong nguyên bài vào bản gỗ (mộc bản), dùng để in, rồi không dùng cho bài khác được. Cách in mới của giai đoạn nầy là người thợ dùng 24 chữ cái trong mẫu tự la-tinh; lắp ráp chữ cái với nhau thành chữ; ghép các chữ thành bản in. In xong, rả bản in cũ, dùng lắp lại chữ in khác.

16. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, bản dịch. của Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Lâm, Nxb. TpHCM, 1993, tr. 371. Alfred Schreiner, sđd. tr. 340.

17. Alfred Schreiner, sđd. tr. 340.

18. Dương Kinh Quốc, Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1858-1918), Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 109.

19. Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam, une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918), Paris: Maisonneuve & Larose, 2004, tt. 193-194. Cũng theo tài liệu nầy, các môn thi trong kỳ thi phụ như sau: 1) Viết tập chữ Pháp (hệ số 3). 2) Chính tả chữ Pháp (HS 5). 3) Dịch chữ Pháp qua quốc ngữ (HS 5) 4) Đàm thoại tiếng Pháp (HS 5) 5)Đọc và dịch miệng tại chỗ một bài tiếng Pháp (HS 5) 6) Chính tả quốc ngữ (HS 3) 7) Dịch một bài chữ Nho qua quốc ngữ (HS 4). Điểm cho trên 20. Thí sinh phải đủ tối thiểu 360 điểm trên 600 điểm thì mới được ưu tiên chọn ra làm quan. Những người đậu cử nhân phải hơn những người đậu tú tài 50 điểm. [Hệ số (coefficient): Các môn thi được xem quan trọng nhiều hay ít khác nhau, nên có hệ số lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ môn viết tập chữ Pháp hệ số 3; môn chính tả Pháp hệ số 5. Mỗi môn thi được cho điểm tối đa là 20. Điểm mỗi môn nhân lên với hệ số môn đó, rồi cộng tất cả thành điểm cuối cùng. Ví dụ tổng cộng hệ số 7 môn thi trong kỳ thi phụ trên đây là 30. Điểm tối đa mỗi môn thi là 20 điểm, vậy 20 X 30 = 600 điểm (điểm tối đa). Luật thi quy định thí sinh phải được 360 / 600 mới được ưu tiên chọn ra làm quan.] Xin xem thêm phần tài liệu phía dưới.

20. Louis Cury, La société annamite, les lettrés - les mandarins - le peuple (Thèse pour le doctorat), Paris: Jouve et Cie, Éditeurs, 1910, tt. 24-33. (Nghị định do quyền toàn quyền Broni ký ngày 14-9-1906).

21. Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển V - Tập trung, Việt Nam Cách mạng cận sử (1885-1914), Sài Gòn: 1963, tr. 393.

22. Thông thường, khóa thi hương có 4 giai đoạn, thường gọi là 4 kỳ hay 4 trường. Đậu kỳ 1 (trường nhất) mới được thi kỳ 2 (trường hai hay trường nhì). Đậu kỳ 2 mới được thì kỳ 3 (trường ba). Đậu trường 3 mới được thi kỳ 4 (trường tư). Đậu kỳ 4 (trường tư) được gọi là cử nhân. Đậy kỳ 3 (trường ba) hỏng kỳ 4 gọi là tú tài.

23. Cao Xuân Dục, sđd. tt. 611, 629, 645, 659.

24. Dương Kinh Quốc, sđd. tt. 375-378.

25. Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương Paris, Khoa Đông Nam Á, Trung tâm Tài liệu và Nghiên cứu về Đông Nam Á, Ban Việt học, phần Chronologie Vietnamienne, Éléments pour “La mémoire de Phạm Quỳnh 1892-1945″ [Biên niên Việt Nam, góp phần tưởng nhớ Phạm Quỳnh 1892-1945]. Xem thêm: Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1993, tr. 304.

26. Phạm Thế Ngũ, sđd. tr. 67 (26a), tr. 116 (26b), tr. 63 (26c).

27. Điểm đặc biệt là chiếu xưng đế của vua Gia Long (trị vì 1802-1820) ngày 12 tháng 5 năm bính dần (28-6-1806) bằng chữ Nho. Tuyên cáo độc lập của vua Bảo Đại bằng quốc ngữ.

28. Sách Danh từ khoa học và Chương trình trung học năm 1945 do bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật đưa ra, thường được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đăng lại trong sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I: Con người và trước tác, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tt. 519-850.

29. Nguyễn Văn Vĩnh viết câu nầy trong bài tựa bản dịch bộ Tam quốc chí diễn nghĩa do Phan Kế Bính dịch, xuất bản ở Hà Nội năm 1909. (Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 398.)

30. Tại Nam Kỳ, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện năm 1887 là Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội, truyên Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách được ấn hành năm 1925.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki






Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki là sự kiện hai quả bom nguyên tử được Quân đội Hoa Kỳ, theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai vào những ngày gần cuối của Đệ nhị thế chiến tại Nhật Bản. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.
Có nhiều nguyên nhân khiến con số chính xác người thiệt mạng không thống nhất. Các số liệu khác nhau bởi được được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ. Cũng có những áp lực làm con số bị phóng đại hoặc giảm thiểu vì lý do tuyên truyền chính trị. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh này vẫn là một trong những ký ức hãi hùng về chiến tranh và sự tàn bạo của con người
Vai trò của hai vụ nổ đối với việc nước Nhật đầu hàng, cũng như hậu quả và các giải thích cho việc thả bom vẫn là chủ đề còn bàn cãi. Ở Mỹ, quan điểm đa số cho rằng hai quả bom đã chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều tháng và hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến. Với nước Nhật, dư luận cho rằng chúng là không cần thiết và hành vi chống lại dân thường là vô đạo đức.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện Khối Đồng minh và ký vào văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945, chính thức chấm dứt Thế chiến thứ hai.
Khởi đầu
Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Anh và Canada, đã thiết kế và chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên trong dự án Manhattan. Dự án ban đầu được khởi động bởi những nhà khoa học đến từ Châu Âu (có cả Albert Einstein) và các nhà khoa học Hoa Kỳ, những người lo ngại nước Đức phát-xít cũng tiến hành chương trình phát triển vũ khí nguyên tử (chương trình, sau này, được biết là có tồn tại nhưng với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và tiến độ bị người Mỹ bỏ xa). Riêng dự án thu hút tổng cộng 130.000 người từ hơn 30 tổ chức trên khắp nước Mỹ ở thời điểm sôi động nhất và tiêu tốn tổng cộng 2 tỷ đô la Mỹ thời đó, là một trong những dự án nghiên cứu, phát triển vĩ đại nhất và tốn kém nhất của mọi thời đại.
Quả bom đầu tiên mang tên "Gadget" được kích nổ trong chương trình thử nghiệm "Trinity" gần Alamogordo, bang New Mexico ngày 16 tháng 7 năm 1945. Các quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki là những quả thứ hai và thứ ba được thế tạo và cho đến nay, chúng vẫn là những vũ khí hạt nhân duy nhất được đưa ra sử dụng.
Trong Thế chiến thứ hai, hai phe tham chiến đều theo đuổi chính sách ném bom chiến lược và nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Trong rất nhiều trường hợp, ném bom chiến lược cướp đi sinh mạng của vô số dân thường và gây nhiều tranh cãi. Tại Đức, cuộc tập kích hàng không chiến lược của phe Đồng Minh vào thành phố Dresden gây hậu quả là 30.000 người thiệt mạng. Theo cơ quan Lịch sử chiến tranh Nhật Bản, các cuộc ném bom thành phố Tokyo tháng 3 năm 1945 làm 72.489 người chết. Đến tháng 8 năm 1945, khoảng 60 thành phố của Nhật đã bị tàn phá trong chiến dịch ném bom ồ ạt. Tokyo và Kobe cũng hứng chịu các cuộc tập kích bằng bom ồ ạt này.
Trong hơn ba năm rưỡi tham chiến trực tiếp ở Chiến tranh thế giới thứ hai, có khoảng 400.000 người Mỹ thiệt mạng. Khoảng một nửa số đó là trong chiến tranh với nước Nhật. Cho đến trước hai vụ đánh bom nguyên tử, trận đánh chiếm đảo Okinawa dẫn đến cái chết của 50 ngàn đến 150 ngàn thường dân, 100 ngàn đến 125 ngàn binh sĩ Nhật. Thương vong phía Hoa Kỳ là 72.000. Con số khác đưa là là 107.539 người chết cộng với 23.764 chết trong các hang kín và được chôn cất bởi phía Nhật. Vì con số trên vượt quá số lượng quân Nhật trên đảo, phía tình báo quân sự cho rằng có khoảng 42.000 tử vong là dân thường. Lý do phổ biến cho việc ném bom nguyên tử vào Nhật Bản là việc xâm lược các đảo chính của Nhật sẽ khiến thương vong gấp nhiều lần con số thiệt hại ở Okinawa.
Tổng thống tạm quyền Harry S. Truman không hề biết dự án Manhattan cho đến khi Franklin D. Roosevelt qua đời. Truman đề nghị Bộ trưởng chiến tranh Hoa Kỳ lúc đó là Henry L. Stimson chủ trì một nhóm các nhân viên xuất sắc gọi là Ủy ban Nội chính bao gồm cả các nhà khoa học uy tín để cố vấn cho Tổng thống các vấn đề quân sự, chính trị và khoa học phát sinh từ việc sử dụng bom nguyên tử. Ngày 31 tháng 5, Stimson đệ trình các kết luận của ông ta trước Ủy ban này và nhóm khoa học của Ủy ban. Stimson ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử, "nhiệm vụ của chúng ta là kết thúc chiến tranh nhanh chóng và có lợi". Nhưng tiến sĩ Robert Oppenheimer, thành viên của nhóm khoa học, tuyên bố rằng một quả bom đó thôi cũng có thể giết tới 20 ngàn sinh mạng và nên hướng vào mục tiêu quân sự chứ không phải dân sự. Một nhà khoa học khác, Tiến sĩ Arthur Compton, đề nghị rằng nên thả quả bom vào một một hòn đảo hoang vu của Nhật Bản để thị uy đồng thời giảm thiểu thiệt hại sinh mạng thường dân. Nhưng lời đề nghị này sớm bị từ chối với lý lẽ rằng, nếu phía Nhật biết trước về cuộc tấn công, máy bay ném bom sẽ bị bắn hạ hoặc quả bom đầu tiên có thể không phát nổ.
Đầu tháng 7, trên đường đi dự Hội nghị Potsdam, Truman xem xét một lần nữa quyết định sử dụng bom nguyên tử. Cuối cùng, ông ra quyết định thả bom nước Nhật. Ông tuyên bố ý định của việc yêu cầu đánh bom là để nhanh chóng mang lại giải pháp cho chiến tranh bằng cách gây ra sự tàn phá và gieo rắc kinh hoàng về những thiệt hại tiếp theo, điều đó đủ làm cho Nhật Bản chấp nhận đầu hàng.
Ngày 26 tháng 7, Truman và các lãnh tụ phe Đồng minh ra bản Tuyên bố Potsdam, vạch ra điều kiện đầu hàng cho nước Nhật:
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức cho toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện ý của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức."
Ngày hôm sau, các báo chí Nhật nêu rằng, bản tuyên bố, văn bản được truyền bá và trong những tờ truyền đơn thả xuống Nhật bản đều bị từ chối. Những quả bom nguyên tử vẫn được giữ bí mật và không hề đả động trong bản tuyên bố. Chính phủ Nhật Bản không thể hiện ý định chấp nhận tối hậu thư. Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro còn phát biểu tại họp báo rằng Tuyên bố Potsdam chỉ là sự lặp lại của Tuyên bố Cairo và chính phủ của ông không quan tâm đến nó.
Nhật hoàng Hirohito, người đang chờ đợi Liên Xô trả lời những thăm dò về hòa bình, đã không có bất kỳ thay đổi lập trường của chính phủ. Ngày 31 tháng 7, ông tuyên bố rõ ràng rằng quyền lực của hoàng đế phải được bảo vệ bằng mọi giá.
Lựa chọn mục tiêu
Bộ phận lựa chọn mục tiêu ở trung tâm nghiên cứu Los Alamos trong hai ngày 10 và 11 tháng 5 năm 1945 đề xuất các mục tiêu là Kyoto, Hiroshima, Yokohama và một xưởng vũ khí tại Kokura. Bộ phận này từ chối việc sử dụng vũ khí nguyên tử chỉ bó hẹp ở mục tiêu quân sự bởi khả năng để lọt mục tiêu nhỏ không nằm giữa khu dân cư. Đối với ủy ban, tác động tâm lý lên nước Nhật là rất quan trọng. Họ cũng thống nhất rằng việc sử dụng bom nguyên tử lần đầu cần phải kỳ vĩ bởi sự quan trọng của nó sẽ gây tiếng vang quốc tế. Bộ phận này lựa chọn Kyoto bởi đây là trung tâm văn hiến của Nhật Bản, và có qui mô dân cư tốt hơn cả để đánh giá hiệu quả của vũ khí. Hiroshima được lựa chọn bởi đây là thành phố lớn, là cơ sở hậu cần quân quan trọng và thành phố được bao bởi các ngọn đồi – giúp gây ra hiệu ứng hội tụ, làm tăng sức hủy diện của quả bom.
Bộ trưởng chiến tranh Henry L. Stimson bất chấp chống đối của tướng Leslie Groves – trưởng dự án Manhattan, gạt bỏ Kyoto khỏi danh sách bởi tầm quan trọng về mặt văn hóa của thành phố. Theo giáo sư Edwin O. Reischauer, Stimson biết và hâm mộ Kyoto kể từ chuyến đi trăng mật của ông từ nhiều thập kỷ trước, khi văn hóa ứng xử của thị dân nơi đây mang đến cho ông những cảm giác tốt đẹp không bao giờ mờ phai. Ngày 25 tháng 7 năm 1945, tướng không quân Carl Andrew Spaatz được chỉ thị ném bom một trong những mục tiêu: Hiroshima, Kokura, Niigata hoặc Nagasaki và các thành phố khác ngay sau ngày 3 tháng 8 khi thời tiết cho phép và các vũ khí nguyên tử bổ sung nữa sẵn sàng.
Hiroshima
Thành phố Hiroshima trong Đệ nhị thế chiến
Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về mặt quân sự và công nghiệp. Một số doanh trại quân sự đóng sát đó bao gồm sở chỉ huy sư đoàn số 5, sở chỉ huy tập đoàn quân số 2 của Thống chế Nhật Hata Shunroku – tư lệnh phòng thủ toàn phần nam Nhật Bản. Hiroshima là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản. Thành phố là trung tâm liên lạc, điểm tàng trữ và lắp ráp cho quân đội. Nó là một trong vài thành phố Nhật mà người Mỹ, với ý đồ từ sớm, chưa đánh bom, tạo môi trường lý tưởng để kiểm định tính hủy diệt của vũ khí nguyên tử. Một lý do nữa cho việc lựa chọn Hiroshima là tướng Spaatz báo cáo rằng đây là thành phố không có tù binh chiến tranh. Với những lý do trên, Washington quyết định, đây là mục tiêu số một.
Trung tâm thành phố có vài công trình bằng bê tông và các cấu trúc yếu hơn. Ngoài phạm vi trung tâm là khu vực dày đặc các cửa hiệu, nhà ở bằng gỗ. Số lượng nhỏ nhà máy công nghiệp nằm ở ngoại ô thành phố. Những ngôi nhà ở đây bằng gỗ mái dốc và rất nhiều nhà xưởng công nghiệp có khung gỗ. Toàn bộ thành phố rất dễ bị tàn phá bằng lửa.
Đầu chiến tranh, dân số Hiroshima có lúc lên đến 381.000 người, tuy vậy cho đến trước khi bị ném bom, số dân đã giảm rất nhiều bởi lệnh sơ tán của chính phủ. Lúc quả bom nguyên tử được ném xuống, ước chừng 255.000 người trong thành phố. Con số này dựa trên số dân đăng ký cư trú cộng với ước đoán lượng công nhân bổ sung và quân đội.
Nổ bom
Chiếc B-29 mang tên Enola Gay và phi hành đoàn, những người thả quả bom nguyên tử "Little Boy" xuống Hiroshima 1945
Hiroshima là mục tiêu ưu tiên (số hai là Kokura và mục tiêu dự bị là Nagasaki) của nhiệm vụ tấn công nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945. Chiếc B-29 "Enola Gay" của phi đoàn 509, cơ trưởng Đại tá Paul Tibbets, xuất phát từ North Field – căn cứ không quân trên đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương, cách Nhật Bản khoảng 6 giờ bay. Ngày thả bom là 06 tháng 08 bởi trước đó có mây hình thành trên bầu trời mục tiêu hạn chế tầm quan sát bằng mắt thường từ trên không. Ở thời điểm bom rơi, thời tiết tốt và phi hành đoàn cùng thiết bị hoạt động trôi chảy. Đại úy William Sterling Parsons đưa quả bom "Little Boy" vào tình trạng sẵn sàng sau khi máy bay cất cánh, trợ tá của ông - Morris R. Jeppson dỡ các thiết bị an toàn của quả bom 30 phút trước khi tới mục tiêu. Cuộc tấn công được thực hiện đúng như kế hoạch, quả bom rơi bởi trọng lượng với 60 kg Uranium 235.
Khoảng 1 giờ trước cuộc tấn công, người Nhật đã phát hiện bằng radar một số máy bay của Mỹ tiếp cận lãnh thổ phía nam Nhật Bản. Báo động được phát ra và việc phát thanh ngừng ở nhiều thành phố, bao gồm cả Hiroshima. Các máy bay tiếp cận bờ biển với cao độ rất lớn. Lúc 8 giờ sáng, trạm radar ở Hiroshima thấy rằng số lượng máy bay đang tiến vào rất ít – không hơn 3 chiếc – và bỏ lệnh sẵn sàng đột kích bằng không quân (để tiết kiệm nhiên liệu và gìn giữ lực lượng không quân, người Nhật không đánh chặn những đội hình máy bay nhỏ).
Ba chiếc máy bay bị phát hiện đó đều là B-29: chiếc "Enola Gay" (đặt tên theo mẹ của Thiếu tá Tibbets), chiếc "The Great Artiste" (Nghệ sĩ vĩ đại) với các thiết bị đo đạc và một chiếc khác không tên (sau đó được đặt là "Necessary Evil") là máy bay ghi hình. Cảnh báo ở mức trung bình trên sóng radio tới dân chúng rằng nên trú ẩn nếu nhìn thấy các máy bay B-29, nhưng người ta cho rằng đây là một cuộc do thám chứ không có đột kích hàng không.
Lúc 8 giờ 15 (giờ Hiroshima), chiếc Enola Gay thả quả bom nguyên tử "Little Boy" trên bầu trời trung tâm Hiroshima. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với đương lượng nổ 13 kiloton (vũ khí nguyên tử sử dụng U-235 bị coi là không có hiệu năng cao, chỉ có 1,38% khối lượng của chúng phân hạch), ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người. Trong số này, có khoảng 2 ngàn người Mỹ gốc Nhật và từ 800 đến 1.000 người Mỹ khác mang hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật và không thể rời khỏi Nhật Bản khi chiến tranh nổ ra. Có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng Minh chết trong lần này. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km vuông. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.
Người Nhật biết về vụ nổ
Kiểm soát viên đài phát thanh ở Tokyo của hãng truyền thông Nhật bản phát hiện ra rằng, trạm phát ở Hiroshima đã ngừng phát sóng. Anh ta cố gắng nối lại chương trình phát sóng ở đó bằng cách sử dụng đường điện thoại nhưng đều không thành công. Khoảng 20 phút sau, trung tâm điện tín đường sắt Tokyo cũng nhận ra điện tín ngừng hoạt động kể từ phía bắc Hiroshima trở xuống. Từ những ga xép trong vòng 16 km ngoài Hiroshima, tin tức không chính thức và nhầm lẫn về vụ nổ khủng khiếp ở Hiroshima truyền về. Tất cả các tin tức trên được truyền đến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật.
Các đơn vị quân sự lặp lại cố gắng liên lạc với bộ phận quản lý quân đội ở Hiroshima. Sự im lặng tuyệt đối từ Hiroshima khiến các sĩ quan bối rối. Họ biết rằng không hề có một cuộc tập kích lớn nào cũng như không có lượng bom đạn đáng kể nào ở Hiroshima. Một sĩ quan trẻ của Bộ Tổng tham mưu được lệnh bay tới Hiroshima lập tức, hạ cánh, điều tra thiệt hại và trở về Tokyo với những tin tức đáng tin cậy. Ở Bộ Tổng tham mưu, mọi người tin rằng không có gì nghiêm trọng xảy ra và những tin tức truyền về trước đó đều là tin đồn không chân thực.
Viên sĩ quan ra sân bay và cất cánh về phía tây nam. Sau 3 giờ bay, khi còn cách Hiroshima 160 km, anh ta và viên phi công trông thấy một đám mây cực lớn của vụ nổ. Trong buổi chiều trời còn sáng, những phần chưa bị tàn phá của Hiroshima đang bốc cháy. Chiếc máy bay của họ nhanh chóng bay tới thành phố, bay quanh nó với sự hoài nghi. Một vùng đất lớn hoang tàn vẫn đang cháy và bị che phủ bởi khói dày đặc, đó là tất cả những gì còn sót lại. Họ hạ cánh xuống phía nam thành phố, và viên sĩ quan tham mưu, sau khi báo cáo về Tokyo, bắt tay ngay vào tổ chức công tác cứu hộ.
Những hiểu biết đầu tiên của Tokyo về điều thực sự gây ra thảm họa ở Hiroshima là từ bản thông báo chính thức của Tòa Nhà Trắng, 16 giờ sau khi xảy ra vụ ném bom Hiroshima.
Thương vong sau vụ tấn công
Đến tháng 12 năm 1945, hàng ngàn người chết bởi vết thương, nhiễm độc phóng xạ đưa tổng số tử vong ở Hiroshima trong năm 1945 lên 140 ngàn. Trong thời gian 1950 đến 1990, thống kê ước tính hàng trăm người chết hàng năm do nhiễm phóng xạ của hai vụ nổ Hiroshima và Nagasaki.
Những công trình còn sót lại
Một số công trình bê tông ở Hiroshima rất vững vàng để chống động đất ở Nhật và cấu trúc của chúng đã không sụp đổ dù rằng chúng khá gần trung tâm vụ nổ. Quả bom nổ trên cao, sức ép vụ nổ từ trên xuống chứ không từ ngang thân đã giúp cho một trong những công trình đó còn tồn tại, đó là Genbaku hay A-bomb Dome (Vòm bom nguyên tử), một kiến trúc được xây dựng năm 1915 theo thiết kế của kiến trúc sư Jan Letzel người Séc. Công trình này vốn là nhà trưng bày, chỉ vài mét cách trung tâm của vụ nổ trên mặt đất chiếu từ trên không xuống. Khu đất quanh phế tích này còn có tên Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 1996 bất chấp phản đối của Mỹ và Trung Quốc.
Những sự kiện từ ngày 7 đến 9 tháng 8
Sau vụ nổ ở Hiroshima, Tổng thống Truman tuyên bố, "nếu bây giờ họ không chấp nhận các điều kiện của chúng ta, họ sẽ phải gánh chịu cơn mưa tàn phá từ trên trời, những thứ chưa hề được biết đến trên Trái Đất". Ngày 8 tháng 8 năm 1945, những truyền đơn được thả từ trên không, những cảnh báo phát tới Nhật Bản từ Đài phát thanh trên đảo Saipan (khu vực Nagasaki đã không nhận được những truyền đơn này cho đến ngày 10 tháng 8 mặc dù chiến dịch rải truyền đơn trên toàn Nhật Bản đã bắt đầu trước đó cả tháng).
Chính phủ Nhật Bản vẫn không phản ứng gì với Tuyên bố Potsdam. Nhật hoàng Hirohito, chính phủ và Hội đồng chiến tranh vẫn đang xem xét bốn yêu cầu đổi lấy sự đầu hàng của Nhật: duy trì kokutai (tổ chức đế quốc và thể chế quốc gia), giao cho các cơ quan đầu não của đế quốc trách nhiệm giải trừ vũ trang, và giải trừ quân bị, không chiếm đóng Nhật Bản và ủy quyền cho chính phủ Nhật Bản trừng phạt tội phạm chiến tranh.
Bộ trưởng Ngoại giao Xô viết Vjacheslav Mihajlovich Molotov ngày 5 tháng 8 thông báo tới Tokyo về việc hủy bỏ Hiệp ước trung lập Xô-Nhật. Chỉ vài phút sau nửa đêm ngày 9 tháng 8 giờ Tokyo, bộ binh, thiết giáp và không quân Liên Xô mở cuộc tấn công đội quân Quan Đông ở Mãn Châu. Bốn giờ sau đó, Tokyo nhận được lời tuyên chiến của chính phủ Liên Xô. Giới quân sự cấp cao của lục quân Nhật Bản, với sự ủng hộ của Bộ trưởng chiến tranh Anami Korechika, bắt đầu chuẩn bị ban hành lệnh thiết quân luật trong cả nước nhằm ngăn chặn bất kỳ kẻ nào nỗ lực cho hòa bình.
Trách nhiệm chuẩn bị cho nổ quả bom thứ hai được giao cho Đại tá Tibbets, chỉ huy phi đoàn 509 ở Tinian. Dự kiến đánh bom ngày 11 tháng 8 tại Kokura, trận đột kích chuyển sớm lên để tránh thời gian 5 ngày tiết trời xấu bắt đầu từ ngày 10 tháng 8. Ba quả bom ở tìnn trạng tháo rời đã được chuyển đến đảo Tinian với ký hiệu ghi bên ngoài F-31, F-32 và F-33. Ngày 8 tháng 8, việc kiểm tra lần cuối cùng hoàn thành ở Tinian bởi Thiếu tá Charles Sweeney, người sẽ lái chiếc B-29 Bockscar thả bom. Việc lắp rắp F-33 cho công tác kiểm tra và F-31 được dùng cho nhiệm vụ ngày 9 tháng 8.
Nagasaki
Nagasaki trong Thế chiến thứ hai
Nagasaki đã từng là thành phố cảng lớn nhất của miền nam Nhật Bản và có vai trò hải quân rất quan trọng nhờ hoạt động công nghiệp đa dạng, từ việc sản xuất đạn dược, tàu bè, thiết bị quân sự đến các vật liệu chiến tranh khác.
Trái với nhiều mặt hiện đại của Hiroshima, số lớn nhà cửa ở đây được xây theo lối kiến trúc cổ, dùng gỗ hoặc khung gỗ, tường gỗ (có hoặc không có vữa) và mái dốc. Nhiều cơ sở công nghiệp và kinh doanh đặt trong các ngôi nhà bằng gỗ hoặc các vật liệu khác không được thiết kế để chịu đựng bom đạn. Nagasaki trong nhiều năm bị bỏ mặc phát triển không quy hoạch. Trong thung lũng công nghiệp tập trung, nhà ở xây dựng gần các nhà máy và sát nhau.
Nagasaki chưa từng bị ném bom qui mô lớn. Tuy vậy, ngày 1 tháng 8 năm 1945, một số quả bom thông thường có sức công phá lớn đã ném xuống thành phố. Vài quả ném trúng các khu vực có xưởng đóng tàu ở tây nam thành phố, một vài quả trúng nhà máy thép và chế tạo vũ khí của Mitsubishi và sáu quả bom ném xuống bệnh viện của trường y Nagasaki trong đó có 3 quả trúng các ngôi nhà. Mặc dù thiệt hại tương đối nhỏ, bom đã gây sự lo ngại và nhiều người – chủ yếu là trẻ em – được sơ tán về vùng nông thôn, nhờ đó mà giảm số dân trong thành phố ở thời điểm nổ bom nguyên tử.
Ở phía bắc thành phố có trại giam các tù nhân từ Khối Thịnh vượng chung Anh, một số đang làm việc trong các mỏ than và chỉ biết về vụ nổ khi lên tới mặt đất. Ít nhất có 8 tù binh chết bởi vụ nổ.
Nổ bom
Sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, pháo đài bay B-29 Bock's Car, cơ trưởng Thiếu tá Charles W. Sweeney mang quả bom nguyên tử "Fat Man" với mục tiêu số một là Kokura, mục tiêu số hai là Nagasaki. Nhiệm vụ cho vụ tấn công nguyên tử thứ hai gần tương tự nhiệm vụ ở Hiroshima. Hai chiếc B-29 bay trước đó 1 giờ để kiểm tra thời tiết và hai chiếc B-29 khác bay cùng Bock's Car với nhiệm vụ đo đạc và ghi hình. Sweeney cất cánh với quả bom đã sẵn sàng và thiết bị an toàn vẫn bật.
Quan sát từ hai chiếc máy bay đi trước cho biết thời tiết ở cả hai thành phố đều tốt. Khi máy bay của Sweeney đến điểm gặp gỡ trên không ngoài khơi Nhật Bản, chiếc B-29 thứ ba (phi công là sĩ quan chiến dịch của nhóm – James I. Hopkins, Jr.) có nhiệm vụ ghi hình đã không đến được điểm hẹn này. Bock's Car và chiếc B-29 cho nhiệm vụ đo đạc đã bay vòng tròn trong 40 phút mà không gặp Hopkins. Đã chậm 30 phút so với kế hoạch, Sweeney quyết định bay đi mà không có Hopkins.
Tới lúc đến Kokura khoảng nửa giờ sau, mây che phủ 7/10 thành phố, ngăn cản tầm nhìn theo yêu cầu. Sau ba lần bay qua thành phố, với nhiên liệu của chiếc Bock's Car đã giảm do việc bơm nhiên liệu từ bồn dự trữ không hoạt động sau khi cất cánh, họ bay về mục tiêu thứ hai, Nagasaki. Tính toán tiêu thụ thực hiện trên đường bay cho thấy rằng chiếc Bock's Car không đủ nhiên liệu để tới được căn cứ trên đảo Iwo Jima và như vậy họ phải đổi hướng về đảo Okinawa. Quyết định đưa ra lúc đó là nếu Nagasaki cũng bị mây che phủ, họ sẽ mang quả bom trở về Okinawa và trả nó xuống biển trong trường hợp cần thiết. Phi công điều khiển vũ khí Fredrick Ashworth sau đó quyết định rằng sẽ sử dụng radar để tiếp cận nếu mục tiêu bị che phủ.
Vào lúc 7 giờ 50 phút giờ Nhật Bản, báo động máy bay vang lên ở Nagasaki nhưng sau đó báo yên lúc 8 giờ 30 phút. Khi chỉ có hai chiếc B-29 bay đến lúc 10 giờ 53 phút, người Nhật cho rằng đó là những máy bay do thám và không phát lệnh báo động nữa.
Vài phút sau, lúc 11 giờ, Đại úy Frederick C. Bock thả các thiết bị được gắn với 3 cái dù. Những thiết bị này bao gồm những thông điệp gửi giáo sư Ryokichi Sagane, nhà vật lý hạt nhân của Đại học Tokyo, người cùng học với ba trong số các nhà khoa học nghiên cứu vũ khí hạt nhân ở Đại học California tại Berkeley, thúc giục ông nói với công chúng về nguy hiểm liên quan đến những vũ khí giết người hàng loạt này. Những thông điệp sau đó được giới quân sự tìm thấy nhưng không chuyển đến cho giáo sư Sagane.
Lúc 11 giờ 01, vào phút cuối cùng, mây đứt quãng trên bầu trời Nagasaki cho phép sĩ quan thả bom trên chiếc Bock's Car, Kermit Beahan, nhìn thấy sân vận động thành phố bằng mắt qua lớp mây mỏng. Quả bom "Fat Man", mang lõi khoảng 6,4 kg Plutonium 239 được thả xuống thung lũng công nghiệp của thành phố. 43 giây sau, nó nổ ở 469 mét cách mặt đất, ở giữa xưởng thép và vũ khí của Misubishi ở xưởng thủy lôi của Misubishi-Urakami. Vụ nổ có đương lượng 21 kiloton, nhiệt độ cao nhất đạt được là 3.871°C (7.000° Fahrenheit) và sức gió khoảng 1.000 km/giờ (624 mph).
Lúc bom nổ, có khoảng 200 ngàn người trong thành phố. Quả bom thả vội vàng đã nổ ở đoạn giữa hai mục tiêu chính, xưởng thép và vũ khí ở phía bắc và xưởng thủy lôi ở phía nam. Nếu bom rơi chếch về phía nam, vùng thương mại và dân cư của thành phố có thể bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Đây là yếu tố chủ yếu lý giải vì sao quả bom này với đương lượng nổ lớn hơn quả "Little Boy" ở Hiroshima nhưng gây thiệt hại ít trầm trọng hơn.
Theo một số nguồn ước tính, 70.000 người trên tổng số 240.000 dân cư Nagasaki chết ngay và 60.000 người khác bị thương. Bán kính vụ nổ là 1,6 km, những đám cháy trải dài từ phần bắc của thành phố cho đến 3,2 km cách vụ nổ về phía nam. Một số lượng không tính toán được những người sống sót từ vụ nổ ở Hiroshima sơ tán đến Nagasaki và lại bị đánh bom ở đây.
Những phương án tiếp tục tấn công nguyên tử vào Nhật Bản
Hoa Kỳ dự tính có một quả bom nữa vào tuần thứ ba tháng 8, ba quả nữa tháng 9 và ba quả tháng 10. Ngày 10 tháng 8, tướng Leslie Groves, giám đốc quân sự dự án Manhattan, viết trong một bản ghi nhớ gửi tướng George Marshall, tham mưu trưởng lục quân Mỹ, "quả bom tiếp theo... sẽ sẵn sàng sau ngày 17 hoăc 18 tháng 8". Cùng ngày, tướng Marshall bút phê vào bản ghi nhớ "chúng sẽ không được thả xuống Nhật Bản mà không có lệnh chính thức của Tổng thống". Có một cuộc thảo luận ở văn phòng chiến tranh về việc duy trì chế tạo bom cho đến Chiến dịch Downfall, chiến dịch xâm lược lãnh thổ Nhật Bản bắt đầu.
Sự đầu hàng của nước Nhật và chiếm đóng của Mỹ
Cho tới ngày 9 tháng 8, Hội đồng chiến tranh của Nhật vẫn giữ 4 điều kiện đổi lấy việc đầu hàng. Cùng ngày đó, Nhật hoàng Hirohito ra lệnh cho cố vấn Kido Koichi "nhanh chóng kiểm soát tình hình" "bởi Liên Xô đã tuyên chiến với chúng ta". Ông chủ thì cuộc họp trong đó ông ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Togo Shigenori thông báo cho phe Đồng Minh rằng Nhật Bản chấp nhận những điều kiện của họ với một điều kiện là việc tuyên bố đầu hàng "không có một yêu cầu nào xâm hại đến quyền của Hoàng đế".
Ngày 12 tháng 8, Nhật hoàng thông báo với hoàng gia về quyết định đầu hàng của ông. Một người chú của ông, hoàng tử Asaka, hỏi liệu chiến tranh có thể tiếp tục nếu thể chế quốc gia không còn giữ được. Hirohito chỉ đơn giản trả lời "tất nhiên". Bởi các điều kiện của phe Đồng Minh có vẻ không động chạm đến nguyên tắc bảo tồn vương quyền, Hirohito ghi âm lời tuyên bố đầu hàng ngày 14 tháng 8 để thông báo rộng rãi toàn nước Nhật mặc dù có một sự nổi loạn ngắn ngủi của những người hiếu chiến chống lại lệnh đầu hàng.
Trong những năm sau chiến tranh, có khoảng 40.000 binh lính Mỹ chiếm đóng Hiroshima và 27.000 tại Nagasaki.
Những người chịu hậu quả trực tiếp
Những người sống sót qua thảm họa được gọi là Hibakusha, từ trong tiếng Nhật để chỉ "những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ nguyên tử". Nỗi đau thương bởi hai vụ nổ nguyên tử là một trong những nguồn gốc của sự yêu chuộng hòa bình ở nước Nhật sau chiến tranh (nước Nhật nâng cấp Lực lượng phòng vệ thành Bộ phòng vệ có còn là biểu hiện nhất quán với quan điểm của họ hơn nửa thế kỷ qua?). Đến năm 2005, vẫn còn 266 ngàn hibakusha ở Nhật.
Trong chiến tranh, Nhật Bản cưỡng bách nhiều người Triều Tiên đến Hiroshima và Nagasaki lao động. Theo các ước tính gần đây, khoảng 20 ngàn người Triều Tiên thiệt mạng ở Hiroshima và 2 ngàn ở Nagasaki. Như vậy cứ 7 nạn nhân ở Hiroshima thì có 1 người gốc Triều Tiên. Cho đến nay, họ vẫn không được thừa nhận là nạn nhân của hai vụ nổ nguyên tử và bị từ chối các quyền lợi về sức khỏe. Mặc dù được đề cập trong những năm gần đây, nhưng việc được thừa nhận xem ra còn nhiều chông gai cho dù hơn 60 năm đã qua đi.
Bất đồng quanh hai vụ nổ nguyên tử
Ý kiến bất đồng
Những ý kiến phản đối việc thả bom nguyên tử chủ yếu ở hai điểm:
Việc thả bom gây thương vong số lượng lớn nhằm vào dân thường đương nhiên là hành vi trái với đạo đức.
Việc thả bom đứng về mặt chiến thuật quân sự là không cần thiết và không thể biện minh.
Hành vi trái đạo đức cố hữu
Một số cá nhân và tổ chức chỉ trích việc ném bom, nhiều người trong số họ cho rằng đó là tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người. Hai nhân vật tiêu biểu là Albert Einstein và Leó Szilárd, những người trước đó cùng ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Roosevelt, cổ vũ công việc nghiên cứu, phát triển bom nguyên tử năm 1939. Szilárd, người đã tham gia tích cực trong Dự án Manhattan, lý luận:
"Hãy để tôi đề cập chủ yếu về vấn đều đạo đức: Giả sử nước Đức phát triển thành công hai quả bom nguyên tử trước chúng ta. Và giả sử nước Đức thả hai qua bom đó, ví dụ, xuống Rochester và Buffalo (hai quận nhỏ ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ), rồi sau đó họ bại trận. Liệu có ai băn khoăn không khi chúng ta cho đó là tội ác chiến tranh và sẽ kết tội người Đức về hành vi đó trước tòa án Nürnberg rồi treo cổ họ?"
Một số nhà khoa học làm việc cho dự án bom nguyên tử đã chống lại việc sử dụng chúng. Bảy nhà khoa học, đứng đầu là Tiến sĩ James Franck, đệ trình một bản báo cáo lên Ủy ban Nội chính của tổng thống Truman tháng 5 năm 1945, rằng:
"Nếu Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng những vũ khí hủy diện bừa bãi này, nó sẽ đánh mất sự ủng hộ của công chúng trên toàn thế giới, khích động chạy đua vũ trang và ngăn cản khả năng đạt được thỏa thuận quốc tế về kiểm soát loại vũ khí này trong tương lai."
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, tác giả người Pháp Albert Camus viết về thảm họa ở Hiroshima trên một ấn bản tiếng Pháp là Chiến trận (Combat):
"Xã hội cơ khí đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao của sự man rợ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa tự sát tập thể và việc sử dụng sáng suốt những thành tựu khoa học [...] Điều này không chỉ đơn thuần là một lời cầu mong nữa; nó phải trở thành một mệnh lệnh chuyển đến các chính phủ từ quần chúng nhân dân, mệnh lệnh cho lựa chọn rõ ràng giữa lý trí và địa ngục."
Năm 1946, trong một bản báo cáo của Tổ chức nhà thờ liên bang với tên Chiến tranh nguyên tử và niềm tin Thiên chúa có một đoạn như sau:
"Là những người Thiên chúa Hoa Kỳ, chúng ta hối tiếc về sự lạm dụng thiếu trách nhiệm vũ khí nguyên tử. Chúng ta đều đồng cảm rằng, trên nguyên tắc, dù là sự nhìn nhận của bất kỳ người nào đối với chiến tranh, việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là không thể biện hộ được về mặt đạo đức."
Năm 1963, hành vi ném bom nguyên tử là đối tượng xem xét của phán quyết tại Tòa án Hiến pháp trong vụ xử Ryuichi Shimoda et al. v. The State. Trong đúng ngày tròn 22 năm sự kiện tấn công Trân Châu Cảng, tòa án hạt Tokyo đã từ chối xét xử tính hợp pháp nói chung của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng phán quyết rằng "vụ tấn công Hiroshima và Nagasaki đã gây ra những thiệt hại nặng nề và không phân biệt quân đội và dân thường, theo nghĩa đó chúng đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất khi tiến hành chiến tranh".
Cũng theo một ý kiến của tòa, hành vi ném bom nguyên tử vào các thành phố được điều tiết bởi luật pháp quốc tế tại Công ước Hague về chiến tranh trên bộ năm 1907 và Dự thảo công ước Hague về chiến tranh đường không năm 1922-1923 và theo đó là không hợp pháp.
Với việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, việc ném bom xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki thể hiện sự vi phạm những cấm cản tối thiểu, Peter Kurznick, giám đốc viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Châu Mỹ tại Washington viết về Tổng thống Truman:
"Ông ta biết rằng ông ta đã bắt đầu một quá trình hủy diệt sự sống. Đó không chỉ là tội ác chiến tranh; đó là tội ác chống lại loài người."
Kurznick là một trong các nhà quan sát tin rằng động lực khiến Hoa Kỳ thực hiện việc ném bom là ý muốn thể hiện quyền năng của loại vũ khí mới trước Liên Xô. Nhà sử học Mark Selden của Đại học Cornell cho rằng "gây ấn tượng với người Nga còn quan trọng hơn là kết thúc chiến tranh với Nhật Bản".
Takashi Hiraoka, thị trưỏng thành phố Hiroshima, người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, nói trong phiên thẩm vấn của Tòa án Công lý Quốc tế Hague:
"Một điều rõ ràng là việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ vũ khí giết người hàng loạt và mù quáng để lại hậu quả trên những người sống sốt hàng nhiều thập kỷ sau đó là sự xâm phạm pháp luật quốc tế."
Iccho Ito, thị trưởng thành phố Nagasaki, tuyên bố trong cùng phiên tòa:
"hậu duệ của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử sẽ còn phải được theo dõi để nhận biết đầy đủ ảnh hưởng di truyền, điều đó có nghĩa là những thế hệ này sống với nỗi lo âu trong nhiều thập kỷ tới [...] với năng lượng khủng khiếp cùng khả năng tàn sát và hủy diệt của chúng, vũ khí hạt nhân không phân biệt binh lính với dân thường, không phân biệt công trình quân sự và dân sự [...] Việc sử dụng vũ khí hạt nhân [...] do đó là một sự xâm phạm hiển nhiên luật pháp quốc tế."
John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ lại Liên hiệp quốc lấy Hiroshima và Nagasaki làm những ví dụ cho thấy vì sao Mỹ không nên tham gia Tòa án tội phạm quốc tế:
"Ví dụ, việc xem xét công bằng hiệp ước [Hiệp ước Roma về Tòa án tội phạm quốc tế], khiến một nhà quan sát khách quan không thể tự tin trả lời rằng liệu Hoa Kỳ đã phạm những tội ác chiến tranh chưa khi ném bom xuống Đức và Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Thực vậy, nếu giải thích thẳng thắn lời lẽ của hiệp ước có thể chỉ ra rằng tòa án sẽ qui kết nước Mỹ đã phạm tội. Hơn nữa, những điều khoản ở đây dường như ám chỉ rằng Hoa Kỳ đã phạm vào tội ác chiến tranh khi thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Điều này (tức ngôn từ của Hiệp ước) là không thể chấp nhận được và không thể để tồn tại."
Tuy rằng hành vi ném bom nguyên tử chưa thể gọi là tội diệt chủng, một số người cho rằng định nghĩa diệt chủng quá chặt và nên coi hành vi ném bom đó là sự diệt chủng. Ví dụ, nhà sử học Bruce Cunnings của Đại học Chicago tuyên bố rằng có sự đồng thuận giữa các nhà sử học với quan điểm của Martin Sherwin: "ném bom Nagasaki, với cái nhìn bao dung nhất, là không cần thiết; với cái nhìn nghiêm khắc nhắc, là hành vi diệt chủng."
Không cần thiết về mặt quân sự
Những người lập luận rằng việc ném bom là không cần thiết về mặt quân sự giữ quan điểm rằng Nhật Bản lúc đó đã bị đánh bại và sẵn sàng đầu hàng.
Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở thời đó có quan điểm này là Đại tướng Dwight D. Eisenhower. Ông viết trong hồi ký The White House Years (Những năm ở Nhà trắng):
"Năm 1945, Bộ trưởng Chiến tranh Stimpson, khi đó đến thăm tổng hành dinh của tôi ở Đức, thông báo cho tôi rằng chính phủ chúng ta đang chuẩn bị thả bom nguyên tử xuống Nhật. Tôi là một trong những người cảm thấy rằng có những lý do vững vàng để nghi vấn sự sáng suốt của hành động đó. Trong khi ông ta kể về những sự việc liên quan, tôi cảm thấy buồn chán và đã nói với ông ta về những sự hoài nghi của tôi, thứ nhất, tôi tin rằng Nhật Bản thực sự đã bị đánh bại và việc ném bom là không hoàn toàn cần thiết, và thứ hai, tôi cho rằng việc sử dụng vũ khí đó là không bắt buộc nhằm hạn chế thương vong cho lính Mỹ bởi đất nước chúng ta nên tránh một ý tưởng làm thế giới rung chuyển bằng cách sử dụng vũ khí đó."
Các tướng lĩnh khác của quân đội Hoa Kỳ không đồng ý với sự cần thiết của việc ném bom gồm Đại tướng Douglas MacAthur (tướng lĩnh cao cấp nhất của Chiến trường Thái Bình Dương), Đô đốc Hạm đội William D. Leahy (quan chức cao cấp nhất của văn phòng điều hành của Tổng thống), Đại tướng Carl Spaatz (tư lệnh không quân chiến lược Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương), Trung tướng Carter Clarke (sỹ quan tình báo quân sự), và một số người khác.
"Nhật Bản trước đó đã đề nghị hòa bình. Từ quan điểm quân sự thuần túy, bom nguyên tử không có vai trò quyết định đánh bại nước Nhật" -- theo lời Đô đốc hạm đội Chester W. Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.
"Việc sử dụng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki không hỗ trợ về mặt vật chất cho cuộc chiến của chúng ta với nước Nhật. Người Nhật đã thực sự bại trận và sẵn sàng đầu hàng" -- ý kiến của Đô đốc Hạm đội William D. Leahy.
Cuộc nghiên cứu về ném bom chiến lược Hoa Kỳ, đã phỏng vấn hàng trăm lãnh đạo dân sự và quân sự Nhật Bản sau khi nước Nhật đầu hàng, báo cáo:
"Dựa trên cuộc điều tra chi tiết thực tế, và với lời khai của các quan chức Nhật bản liên quan, ý kiến tin chắc rằng nước Nhật sẽ đầu hàng trước ngày 31 tháng 12 và có khả năng trước ngày 1 tháng 11 năm 1945 mà không cần đến nổ bom nguyên tử, thậm chí là không cần Liên Xô tham chiến, và cũng không cần một cuộc đổ bộ nào."
Nghiên cứu cũng cho rằng những đợt ném bom thông thường vẫn cần thiết để buộc Nhật Bản đầu hàng.
Nhiều người, trong đó có Đại tướng MacAthur đồng ý rằng Nhật Bản sẽ đầu hàng trước khi bị ném bom nguyên tử nếu Hoa Kỳ cho họ biết rằng Nhật hoàng Hirohito sẽ vẫn là người đứng đầu Nhật Bản trên danh nghĩa, điều kiện này sau đó vẫn được chấp nhận khi Nhật ký văn bản đầu hàng. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã biết được mong muốn của Nhật Bản khi giải mã những bức điện tín của Nhật Bản, nhưng từ chối thể hiện rõ thiện chí chấp nhận điều kiện này. Trước khi bị ném bom, lập trường của giới lãnh đạo Nhật Bản đã có sự phân hóa. Một số nhà ngoại giao ủng hộ đầu hàng, trong khi các lãnh đạo quân sự cam kết chiến đấu cho một "trận chiến quyết định" trên đảo Kyushu, hi vọng có được điều kiện tốt hơn để đình chiến sau đó. Chính phủ Nhật Bản khi đó chưa quyết định điều kiện nào có thể nhượng bộ trừ yêu cầu giữ lại biểu tượng hoàng gia. Chỉ khi có sự can thiệp của hoàng đế, bất đồng mới chấm dứt. Sau đó, như đã nói ở trên, có một cuộc nổi loạn nhỏ của giới quân sự không chấp nhận đầu hàng.
Sử gia Tsuyoshi Hasegawa có nghiên cứu đưa đến kết luận rằng những quả bom không phải phải là lý do chủ yếu của sự đầu hàng. Ông cho rằng, lý do chính là những chiến thắng nhanh chóng và to lớn của quân đội Liên Xô ở Mãn Châu.
Ý kiến ủng hộ
Những người ủng hộ việc ném bom, nói chung khẳng định rằng hai vụ nổ đã kết thúc chiến tranh sớm nhiều tháng, vì vậy đã cứu sống nhiều sinh mạng. Họ cho rằng với cuộc tấn công của Liên Xô sẽ không thể đánh bại được Nhật Bản vì Nhật là một đảo quốc, với tiềm lực yếu kém của Hải quân Liên Xô (tải trọng Hạm đội 125.000 tấn so với 1.300.000 tấn của Nhật, lại tập trung ở Châu Âu) thì không thể thực hiện một cuộc vượt biển quy mô lớn sang đánh Nhật được. Hai quả bom nguyên tử đã đánh sập hoàn toàn tinh thần của người Nhật hai ngày trước cuộc tấn công của Liên Xô. Họ cũng cho rằng nếu Chiến dịch Olympic (giai đoạn thứ nhất của chiến dịch Downfall) đổ bộ quân Mỹ vào Nhật Bản ngày 1/10/1945 được tiến hành và sau đó là giai đoạn hai - Chiến dịch Coronet, sẽ có thương vong lớn cho cả hai bên, dự đoán là khoảng nửa triệu quân Mỹ (gấp đôi số người chết do bom nguyên tử) và hàng triệu lính Nhật khác. Thậm chí là dù việc đổ bộ được trì hoãn thì những thiệt hại bởi ném bom thông thường và việc người Nhật vẫn chiếm đóng những vùng Châu Á cũng gây nhiều đổ máu. Quân đội Nhật Bản còn trên 7 triệu binh sĩ, trong đó hơn 4 triệu đóng trên lãnh thổ Nhật, do đó việc Liên Xô đánh bại 1 triệu quân Nhật ở Mãn Châu cũng không có ý nghĩa gì đáng kể.
Giới quân sự Nhật thống nhất chống lại bất kỳ nhượng bộ nào trước khi bom nguyên tử được sử dụng. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật thức tỉnh cùng cuộc Đại khủng hoảng đã thủ tiêu rất nhiều nhà cải cách, những người tìm cách kiểm soát quyền lực của giới quân sự, tiêu biểu trong số này là Takahashi Korekiyo, Saito Makoto và Inukai Tsuyoshi, tạo ra một môi trường mà bất kỳ sự phản đối chiến tranh nào đều đồng nghĩa với sự đe dọa tính mạng.
Trong khi giới lãnh đạo dân sự sử dụng những kênh ngoại giao bí mật cho nỗ lực đàm phán hòa bình, họ không thể đàm phán đầu hàng hoặc chỉ là ngừng bắn. Đế quốc Nhật Bản, quốc gia quân chủ lập hiến, chỉ tiến hành đàm phán khi có sự thống nhất của toàn bộ nội các. Vào mùa hè 1945, Hội đồng chiến tranh tối cao Nhật Bản, bao gồm các đại diện của lục quân và hải quân cùng chính phủ dân sự, đã không có được số đông ủng hộ để công việc thoả hiệp được bắt đầu.
Bế tắc chính trị hình thành giữa giới lãnh đạo quân sự và lãnh đạo dân sự của Nhật. Quân đội càng lúc càng nâng cao quyết tâm kháng cự bằng mọi giá trong khi giới lãnh đạo dân sự tìm giải pháp thỏa hiệp kết thúc chiến tranh. Quyết định càng trở nên phức tạp khi mà đại diện quân đội Thiên Hoàng phải có mặt trong thành phần chính phủ. Điều này có nghĩa là giới quân sự có thể phản đối bất kỳ quyết định nào bằng cách phế truất bộ trưởng chiến tranh, vì thế mà quân đội là thế lực lớn nhất trong Hội đồng chiến tranh tối cao. Đầu tháng 8 năm 1945, trong nội các đã có tình hình khá cân bằng giữa những người phản đối và những người ủng hộ việc đầu hàng. Phe chủ chiến gồm Bộ trưởng chiến tranh - tướng Anami Korechika, tướng Umezu Yoshijiro và Đô đốc Toyoda Teijiro, đứng đầu là Bộ trưởng Anami. Phe hoà bình gồm Thủ tướng Suzuki Kantaro, Bộ trưởng Hải quân Yonai Mitsumasa và Bộ trưởng ngoại giao Togo Shigenori, đứng đầu là Bộ trưởng Togo.
Phe chủ hòa, coi hai quả bom là biện minh cho sự đầu hàng. Kido Koichi, một trong những cố vấn thân cận của Nhật hoàng Hirohito đưa ra "chúng ta, phe mong muốn hòa bình có sự góp phần của quả bom nguyên tử để vận động chấm dứt chiến tranh". Sakomizu Hisatsune, thành viên nội các năm 1945 gọi sự kiện ném bom nguyên tử là "cơ hội bằng vàng trời ban cho nước Nhật để ra khỏi chiến tranh". Giới lãnh đạo dân sự chủ hòa giờ đây có thể dùng cảnh điêu tàn của Hiroshima và Nagasaki để thuyết phục phe quân sự rằng không lòng can đảm nào, không tài năng nào, và không trận chiến dũng cảm có thể giúp Nhật đối phó với một cường quốc có vũ khí nguyên tử. Bộ máy lãnh đạo đã có được quyết định thống nhất đầu hàng và chấp nhận những điều kiện của Tuyên bố Potsdam.
Những người ủng hộ việc ném bom cũng chỉ ra rằng, kéo dài thời gian chờ nước Nhật đầu hàng chẳng phải là lựa chọn không có mất mát – chiến tranh cướp đi 200 ngàn sinh mạng không phải binh lính trên toàn Châu Á mỗi tháng. Từ tháng 2 năm 1945, ném bom thông thường giết hơn 100 ngàn người ở Nhật trực tiếp và gián tiếp. Và việc ném bom này sẽ tiếp diễn cho đến lúc quân Mỹ đổ bộ vào Nhật. Chiến dịch Starvation phong tỏa bằng tàu ngầm và thủy lôi, đã o bế hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa về Nhật Bản. Chiến dịch phá hoại hoạt động đường sắt của Nhật cũng chuẩn bị được triển khai, ngăn cách các thành phố trên đảo Honshu với những vùng trồng lương thực khác. Nhà sử học Irokawa Daikichi ghi lại "ngay sau ngừng bắn, có khoảng 10 triệu người sắp chết đói". Cùng lúc đó, chiến sự vẫn tiếp diễn ở Philippines, Tân Guinea và Borneo. Các cuộc tấn công chuẩn bị nổ ra trong tháng 9 ở miền nam Trung Quốc và bán đảo Mã Lai.
Nước Mỹ lường trước được sẽ có tổn thất rất lớn về người nếu đưa quân vào Nhật Bản mặc dù số lượng thương vong dự kiến vẫn còn bàn cãi. Thương vong còn phụ thuộc vào sức kháng cự của người Nhật và kịch bản đổ bộ chỉ vào đảo Kyushu tháng 11 năm 1945 hay cả vào gần Tokyo tháng 3 năm 1946. Nhiều năm sau chiến tranh, cựu Bộ trưởng ngoại giao James Byrnes cho rằng có thể nước Mỹ sẽ mất thêm 500 ngàn sinh mạng nữa trong mùa hè 1945. Những nhà hoạch định Mỹ dự kiến 20.000 đến 110.000 lính tử trận nếu triển khai đổ bộ lên lãnh thổ Nhật Bản tháng 11 năm 1945 và số bị thương từ ba đến bốn lần con số trên. Nên nhớ, tổng số lính Mỹ chết trận trên tất cả các mặt trận trong gần bốn năm tham chiến là 292.000.
Bom nguyên tử đưa Thế chiến thứ hai ở Châu Á nhanh chóng chấm dứt, giải thoát hàng triệu con người trong những vùng bị chiếm đóng bao gồm nhiều ngàn người phương Tây. Hơn nữa, quân đội Nhật đã tiến hàng giết người hàng loạt, con số lên đến hàng triệu bằng vũ khí hóa học và vũ khí vi trùng. Chiến tranh sớm kết thúc cũng có nghĩa là không còn những đổ máu tương tự.
Trong một mệnh lệnh của Bộ chiến tranh Nhật Bản ngày 1 tháng 8 năm 1944, tất cả tù binh phe Đồng minh, lên đến hơn 100 ngàn người, sẽ bị hành quyết nếu chiến sự xảy ra trên lãnh thổ Nhật Bản.
Những người ủng hộ vũ khí nguyên tử lý luận tiếp, chính phủ Nhật Bản đã huy động một cuộc chiến tranh tổng lực, thường dân gồm cả phụ nữ và trẻ em phải làm việc trong các nhà máy, cơ sở quân sự và phải chiến đấu chống lại lực lượng đổ bộ. Linh mục John A. Siemens, giáo sư triết học hiện đại ở Đại học Thiên chúa Tokyo và là một nhân chứng của vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima viết:
"Chúng tôi đã tranh luận với nhau về tính đạo đức của việc sử dụng vũ khí này. Một số người cho rằng nó cũng tương tự như sử dụng khí độc chống lại dân thường. Một số khác có quan điểm rằng trong cuộc chiến tranh tổng lực mà nước Nhật thực hiện, không có khác biệt giữa dân thường và binh lính, và quả bom tự nó là công cụ hiệu quả chấm dứt đổ máu, buộc nước Nhật đầu hàng và nhờ đó tránh được sự tàn phá khủng khiếp. Điều đó có vẻ hợp lý theo tôi – người ủng hộ lý luận rằng về nguyên tắc, chiến tranh không thể coi là chống lại dân thường khi đó là chiến tranh tổng lực".
Một số người còn nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Hiroshima là tổng hành dinh của tư lệnh Tập đoàn quân số 2, và Nagasaki – trung tâm sản xuất đạn được chủ chốt.
Trong bài phát biểu trước nhân dân Nhật Bản về lý do đầu hàng, Nhật hoàng đặc biệt đề cập đến hai quả bom nguyên tử, tuyên bố rằng tiếp tục chiến tranh chỉ mang lại "sự tàn phá và sụp đổ hoàn toàn của quốc gia Nhật Bản".
Nhà sử học của Mỹ Richard B Frank đưa ra trong cuốn sách Downfall phát hành năm 1999. Ông khẳng định:
"Sẽ chỉ là ảo tưởng nếu cho rằng chiến tranh có thể kết thúc trước khi Mỹ dùng tới bom nguyên tử".
David McCullough lại muốn tìm một sự giải thích thực tế đối với động cơ của Truman.
"Làm thế nào mà một vị tổng thống, hoặc những người có trách nhiệm, có thể trả lời nhân dân Mỹ... nếu sau khi mất một biển máu để xâm chiếm Nhật Bản, người Mỹ mới biết rằng thứ vũ khí có khả năng chấm dứt cuộc chiến đã được chế tạo xong từ giữa mùa hè và không được sử dụng?".










Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Internet

Như Đồng

Bây giờ mà nghĩ về những tiện ích mà internet đã mang lại trong những năm gần đây quả là những điều kỳ diệu. Những chuyện mang tính huyền thoại cổ tích từ xa xưa của loài người đã trở thành hiện thực.
Nếu trước đây tôi thường đọc những thông tin trên sách báo giấy, giờ thì những thói quen đó gần như bỏ hẳn, tôi tìm đọc những thông tin đó trên internet, ở đây tôi còn có thể kiểm chứng những thông tin một cách nhanh chóng ở những nguồn có uy tín.
Thông tin trên internet không còn là những thông tin một chiều như trên sách báo cổ điển, những gì gì diễn ra trên internet mang tính đa chiều. Người đọc có thể góp ý, nhận xét, phản bác…trực tiếp một cách nhanh chóng. Những sai trái vì thế cũng được chỉnh sửa kịp thời.
Internet là một môi trường học tập tốt, những thông tin không chỉ gói gọn trong ngôn ngữ của bạn mà qua các công cụ chuyển ngữ, các từ điển trực tuyến, và bạn cũng có thể cập nhật những yêu cầu của bạn. Qua internet ta có thể lưu trữ, in ấn với chất lượng rất cao.
Internet công bằng với tất cả mọi người, nếu như bạn có tài năng bạn vẫn tỏa sáng. Internet cho bạn tạo những website hoàn toàn miễn phí được gọi là blog với công nghệ hàng đầu của thế giới như Youtube, blogger, yahoo… và tiếng nói của cá nhân bạn cũng có ý nghĩa như website như của các tổ chức và cũng được nhận diện trên các công cụ truy tìm.
Qua internet bạn hưởng được những quyền lợi như mail, chat, tin nhắn, webcam, những hình ảnh, âm thanh, video hầu như được truyền đi ngay lập tức. Qua dịch vụ chat của yahoo bạn có thể nói chuyện, viết thư, và hình ảnh được truyền đi qua webcam hoàn toàn miễn phí. Dịch vụ kèm file trong gửi mail giúp bạn dễ dàng gửi đi và lưu trữ tài liệu, hình ảnh, âm thanh, video trên mạng internet. Việc lưu trữ tài liệu trên mạng internet có độ an toàn cao và tiện nghi là có thể lấy xuống sử dụng ở bất cứ nơi nào có thể.
Internet còn là sân chơi giải trí tuyệt vời. Ở đó bạn có thể tìm ra nơi đáp ứng những sở thích riêng của mình, kết giao bè bạn.
Internet còn quá mới mẻ với một số người.Nhưng internet bây giờ ở Việt Nam đã đến tận những miền quê hẻo lánh, xa xôi. Các công ty điện thoại cũng có những ưu đãi về giá cước ở những vùng này, nghĩa là người dùng internet ở đây rẻ hơn rất nhiều ở các đô thị. Dịch vụ ở đây cũng rất tốt.
Internet là phương tiện toàn diện, toàn dân và đa chiều truyền đi những thông tin, nên internet hiện hữu và hiển nhiên là kẻ thù của các chế độ độc tài, phi dân chủ. Internet vô hiệu hóa những thông tin độc đoán là công cụ của các chế độ chuyên chính và đưa đến những thông tin trung thực cho mọi người.
Tường lửa là một trở ngại được dựng lên để hạn chế những thông tin bất lợi của các chế độ độc tài. Và sự ra đời những phần mềm vượt tường lửa giúp người đọc dễ dàng truy cập các trang web bị chặn. Tường lửa bản chất nó là sự trì trệ xấu xa của một chế độ. Internet sẽ và đang và đã làm cho sự chuyên chính tự nó tan rã trước sự giác ngộ của người dân.
Internet làm cho các dân tộc thấu hiểu và tôn trọng những khác biệt của nhau. Internet làm cho mọi người gần gủi với nhau. Internet thúc đẩy nhanh chóng quá trình toàn cầu hóa.