Như Đồng
Luật rừng là nói theo cách nói dân gian, bửa nay người ta còn nói là xã hội đen, maphia… nôm na đại khái như vậy.
Có một điều lạ nghen là từ “luật rừng” hổng thấy trong các từ điển tiếng Việt, điều này là mình khám phá đó nha. Nhưng khi nói luật rừng thì ai cũng hiểu đó là sự sai trái, bạo ngược, gián trá, thủ đoạn bất chấp đạo lý…
Một lần tôi ghé thăm một thầy giáo cũ đã về hưu thầy dặn: “Xã hội này còn nhiều luật rừng lắm nên con phải biết thân biết phận mà giữ gìn”. Từ “ luật rừng ” đó cứ ám ảnh tôi đến ngày hôm nay.
Luật pháp của một chế độ dân chủ và tiến bộ bao giờ cũng xây dựng trên nền tảng đạo đức, nguyện vọng và quyền lợi của người dân, những gì ngược lại ta có thể coi là luật rừng.
Các thế hệ ông bà tôi, cô gì chú bác tôi họ có quá nhiều điều sợ hải, quá nhiều điều cấm kỵ, có quá nhiều sự thật được giấu kín và có những nhận thức họ vẫn phải âm thầm bí mật truyền dạy cho con cháu vì họ sợ hải một thế lực nào đó gọi là luật rừng.
Ta có thể nói nạn cơm tù, nạn chấn lột những ô tô chở hàng hóa khi chẳng may xe bị hỏng ở vùng Thanh Nghệ Tỉnh, nạn kiêu binh thời Lê là dùng luật rừng. Đó là những thứ luật rừng của dân gian, và Việt Nam mình còn biết bao nhiêu truyền thuyết mà gọi là luật rừng khác nữa.
Nhìn lại sự việc cái chết của Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bên cạnh chúng ta đó cũng là hành vi cư xử luật rừng. Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố, đánh đập, tra tấn, cầm tù, bỏ đói đến chết. Sự việc này là kiểu mẩu,là kinh điển của luật rừng cho toàn thế giới.
Cải cách ruộng đất bao nhiêu người bỏ mạng oan ức, cải tạo tư sản làm cho nhiều người khánh kiệt tù đày, tịch thu nhà cửa của những người vượt biên đó là những bằng chứng trong lịch sử Việt Nam không phải là luật rừng đó sao!?. Bây giờ Việt Nam mình rất nhiều người giàu có, rất nhiều người thật sự là những tư sản thì nhìn lại lịch sử thật vô cùng sợ hải.
Nạn phe phái trong giới cầm quyền, bảo vệ quyền lợi cá nhân, tranh giành địa vị họ sẵn sàng lập lên hiện trường giả, vu khống, thủ tiêu bỏ tù người bất đồng chính kiến với các chiêu bài như tiết lộ bí mật quốc gia, tham nhũng, tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa… Những việc đó so với một nước dân chủ và tiến bộ thì đó là những điều bẩn thỉu nhưng so với lịch sử đã từng trãi qua thì có thấm thía gì đâu.
Việt Nam chúng ta là một trong những vùng đất còn nhiều lợi thế cho luật rừng lộng hành vì chúng ta thiếu trung thực với lịch sử, còn nhiều gian dối với lịch sử, không nhận thức đúng, không chân thật trước những sai lầm của lịch sử, những tội ác của lịch sử bị che lấp chối bỏ và không bị lên án công bố rộng rãi, không tôn trọng và chà đạp lên quyền lợi của cộng đồng.Và khi một lãnh đạo Việt Nam phát biểu những điều trái ngược với khuynh hướng tiến bộ của loài người, trái ngược với những cam kết mà nhà nước Việt Nam đã ký với Liên Hợp Quốc, gian trá với sự thật và với lịch sử thì đó là những điều đáng xấu hổ gây căm phẫn trong cộng đồng.
Vụ đàn áp sinh viên học sinh biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn mùa xuân 1989 là trong những hành xử luật rừng tệ hại nhất. Gần mười ngàn người bị giết bằng xe tăng và súng máy, chính quyền cọng sản Trung Hoa đã phi tang bằng cách tịch thu các xác chết tập trung thiêu thành tro bụi, những xe vòi rồng tẩy rửa tội ác xuống những cống rãnh mà máu của họ tụ thành huyết dày đến 10 cm. Và chưa một nước nào trên thế giới có một tập đoàn tội ác chuyên nghiệp và đồ sộ đến thế. Những tên tội phạm Thiên An Môn chừng nào chưa được đem ra xét xử về những tội ác chống lại loài người thì đó là những thách thức của nhân loại tiến bộ.
Người Việt Nam chúng ta và trong giới cầm quyền chưa thật sự thấu hiểu khái niệm cùng chung sống hòa bình, cái giọng điệu “ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động” vẫn ra rả phát ra từ miệng của những nhà lãnh đạo, với họ không gì hơn quyền lợi cá nhân đang tạm thời nắm giữ là trên hết,làm gì có khái niệm dân tộc, tổ quốc và sự tiến bộ của quốc gia. Và uy tín của lãnh đạo Việt Nam vẫn là những câu hỏi lớn khi người dân chưa được chính tay mình bầu lên. Câu khẩu hiệu: “ Sống và làm việc theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong khi đó ông Hồ Chí Minh là vị chủ tịch nước đầu tiên được bầu lên do chính lá phiếu trực tiếp của người dân Việt Nam.
Người Việt Nam biết bảo vệ mình ở đâu khi bên cạnh luật pháp còn quá nhiều điều cấm kỵ vô lý, quá nhiều điều đen tối, còn quá nhiều những luật rừng.
Xóa bỏ luật rừng là một thách thức của mọi người dân Việt Nam, nó là một nhu cầu tất yếu cho sự bền vững và hưng thịnh của đất nước. Uy tín của quốc gia Việt Nam ở đâu, danh dự người Việt Nam ở đâu khi ở đây còn đầy dẫy những luật rừng.
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét